Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dựng lại kịch bản cũ ăn khách

Tạp Chí Giáo Dục

"Hãy yêu nhau đi" – phiên bản mới của Sân khấu IDECAF – vừa ra mắt khán giả ngày 5-11, trước đó các vở: "Sắc màu", "Tơ duyên", "Một ngày làm vua", "Thuốc đắng giã tật", "Phép lạ"… cũng tái công diễn.

Dạo quanh kịch mục của các sân khấu tại TP HCM có thể thấy hầu như thương hiệu nào trong giai đoạn này cũng có từ một đến vài vở kịch cũ được làm mới và tái diễn.

Theo những người trong cuộc, xu hướng làm mới kịch cũ ngoài lý do nguồn kịch bản mới khan hiếm, còn có nguyên nhân một số sàn diễn muốn khai thác lại những vở diễn từng được khán giả yêu thích. Một trong những sân khấu tiên phong làm mới kịch bản cũ là Sân khấu Hoàng Thái Thanh khi lên kế hoạch diễn theo mùa và hàng loạt vở cũ được làm mới để công diễn.

Sân khấu 5B cũng nỗ lực chinh phục khán giả với những kịch bản mới được đầu tư kỹ lưỡng bên cạnh một số vở cũ ăn khách sẽ được công diễn phiên bản mới với dàn diễn viên mới.

Dựng lại kịch bản cũ ăn khách - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở “Hãy yêu nhau đi” – phiên bản mới của Sân khấu IDECAF. Ảnh: IDECAF

Đối với các sàn diễn, việc dựng lại kịch cũ được xem là một kế hoạch an toàn bởi chủ yếu chỉ là làm mới lại trên khung sườn cũ, tình tiết câu chuyện, các nhân vật đã có sẵn. Dẫu vậy, theo các nhà chuyên môn, việc làm này là con dao hai lưỡi, bởi làm sao để không bị rơi vào tình trạng lặp lại kịch bản cũ là một thách thức. Đã có một số vở diễn phiên bản mới nhưng chủ yếu sự khác biệt là ở sự sáng tạo của diễn viên.

NSND Trần Minh Ngọc đã dựng lại vở "Cậu đồng" hoặc "Một cuộc đời bị đánh cắp" với phiên bản mới cho rằng: "Phiên bản mới thường sẽ hay hơn do đã được đúc kết của quá trình tương tác với khán giả, dấu ấn của kịch bản cũ với phiên bản mới là do diễn viên quyết định".

Vì thế, khán giả đến với các vở diễn phiên bản mới chính là muốn xem diễn viên vào vai diễn cũ của một ngôi sao nào đó ra sao, xem họ làm mới nhân vật như thế nào. Hiện nay Đại Nghĩa, Đình Toàn, Quang Thảo, Thanh Thủy… là những diễn viên được khán giả yêu thích khi hóa thân rất hay vào vai diễn cũ nhưng với phiên bản mới.

Có thể thấy hầu hết những vở diễn cũ được dựng lại đều có xuất phát điểm từ một kịch bản chất lượng cao, có chiều sâu, đã được chăm chút tỉ mỉ ở phiên bản đầu. Điều quan trọng của việc làm mới kịch cũ là dàn diễn viên không phải xuất hiện bằng hào quang cũ của người đi trước, mà phải có những sáng tạo mới để khán giả nhận được những trải nghiệm mới.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)