Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng làm học sinh “mê muội” vì danh hão

Tạp Chí Giáo Dục

Khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở nhiều địa phương công bố điểm, như thường lệ, mạng xã hội tràn ngập các thông tin về các thủ khoa kỳ thi. Theo đó, các thủ khoa này thường giống nhau một cách lạ kỳ: không học gạo, chăm chú lắng nghe bài trên lớp, không đi học thêm, học ít mà hiệu quả; một số em tuy học giỏi nhưng vẫn có thời gian chơi thể thao, đánh đàn, thổi sáo hay làm việc nhà giúp ba mẹ… Một số em thì có thêm đặc trưng “nhà nghèo học giỏi” hoặc “trường huyện đậu thủ khoa”, “trường miền núi đạt danh hiệu thủ khoa”… Học sinh mới vào lớp 10, kể cả tốt nghiệp đại học thì cũng chỉ mới bắt đầu, con đường phía trước còn quá dài. Thủ khoa chỉ là danh hiệu, không phải là thành tựu hay đỉnh cao trong học thuật, khoa học gì cả. Về mặt ngôn ngữ học thì học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập ở địa phương không thể gọi là thủ khoa (người đỗ đầu kỳ thi có tính chất quốc gia). Tôn vinh thủ khoa, nhà vô địch, rồi trạng nguyên…, đừng nghĩ đó là tôn vinh sự hiếu học hay trí tuệ. Tất cả đều là danh hão. Thành tựu, sản phẩm mới là cái cần hướng đến và tôn vinh.

Có một thầy giáo phàn nàn rằng khen thưởng học sinh giỏi là đúng, nhưng vừa phải thôi, không nên thưởng tiền nhiều quá. Không biết có ai hiểu được dụng ý sâu xa của thầy giáo hay không. Cái nguy hiểm là sự cổ vũ, “chấp” vào cái hình thức, danh hiệu, vỏ bề ngoài, chạy theo hư danh mà không hướng đến thành tựu. Ba mẹ tự hào vì con đậu vào trường chuyên, thủ khoa (đầu vào – đầu ra), đắm đuối vì điểm số. Học giỏi là tốt nhưng đó mới là khả năng, cái cần cho xã hội là thành tựu, sản phẩm, sự sáng tạo trong lao động thì lại đang vô cùng thiếu.

Từng có em học sinh, sau khi giành danh hiệu vô địch trong một gameshow có tính chất thuộc lòng đã được tôn vinh quá mức và có biểu hiện ảo tưởng, hoang tưởng. Thật đáng thương và đau lòng. Báo chí chỉ nên viết về thủ khoa trong các trường hợp đặc biệt, với mục đích kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng cho em đó có kinh phí đi học. Chúng ta hãy hướng đến các thành tựu trong lao động, những giải pháp, sản phẩm sáng tạo, hữu ích cho cộng đồng.

Trn Quang Đi

 

Bình luận (0)