Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng làm rối “làn sóng” đổi mới phương pháp dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đang vận động toàn ngành đổi mới phương pháp dạy học, rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã hiến kế góp ý. Nhưng, những ý tưởng đó hầu như không thống nhất, thậm chí còn khá… kỳ cục, làm cho công cuộc đổi mới thêm rối.

> Đổi mới phương pháp dạy học: Chấm dứt hoàn toàn đọc – chép

> Đổi mới phương pháp dạy học: Giáo viên cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý

“Đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông không phải là một mong muốn chủ quan, một phong trào quần chúng với sự tự nguyện hoặc không mà là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có cơ sở pháp lý, lý luận, thực tiễn đối với mọi trường học, mọi giáo viên” – TS Vũ Ngọc Anh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ quan điểm về “làn sóng” đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) đang được Bộ GD-ĐT vận động trong toàn ngành như vậy.
Cũng theo TS Anh, đổi mới PPDH một thách thức mà giáo dục Việt Nam nhất thiết phải vượt qua để góp phần khắc phục những biểu hiện trì trệ nghiêm trọng hiện nay và tham gia được vào “sân chơi” quốc tế về phương pháp giáo dục.
Bộ GD-ĐT đã xác định chủ đề của năm học 2009-2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”. Cũng chính vì thế, những nhà quản lý giáo dục đang rất vất vả hàng ngày, hàng giờ trong việc đầu tư suy nghĩ để làm thế nào để thực sự đổi mới được PPDH.
Nhưng, các ý tưởng hiến kế cho đổi mới hiện nay không thống nhất, thậm chí còn khá… kỳ cục. Việc đổi mới thế nào vẫn đang là vấn đề vô cùng gian nan.

Để dạy học có hiệu quả, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị

Nếu như ứng dụng công nghệ thông tin được ngành xác định là yếu tố quan trọng giúp việc đổi mới thì tại một giờ học Lịch sử có ứng dụng Công nghệ thông tin tại trường Herman (Đà Lạt) hồi đầu tháng 12 vừa qua, mặc dù cả thầy và trò đều cảm thấy hứng thú với sự giúp đỡ của máy chiếu. Nhưng một chuyên viên của Bộ, sau khi dự giờ đã đưa ra nhận xét khá gay gắt rằng: Việc đổi mới PPDH  không phải là việc trình diễn các máy chiếu và thầy giáo trở thành người mua vui cho học sinh!
Còn tại Hội thảo “Chỉ đạo quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông” được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Nghệ An ngày 3/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Có nhiều thầy cô giáo đã coi thiết bị trình chiếu là vật trang trí cho tiết học nhưng không đem lại lợi ích. Thầy nhàn hơn nhưng trò thì bị nặng nề, mệt mỏi do phải cố gắng nhìn màn hình để chép. Việc đọc chép đã thành nhìn chép!”
Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang) Nguyễn Thiều Quang, cũng cho rằng sử dụng máy chiếu cũng có mặt trái là học sinh không nhớ bài lâu.
Hay như việc đổi mới PPDH phải coi người học là trung tâm, là ở thế chủ động thì Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Ngọc Quang có vẻ hướng tới bàn lùi nhiều hơn khi nhìn nhận, phủ nhận hoàn toàn ưu điểm của phương pháp truyền thống hoặc quá đề cao một phương pháp tích cực nào đó là không được. Ví dụ, nếu coi đổi mới là phải nói thật nhiều, học sinh trả lời thật lắm thì giáo viên đã biến giờ học thành liên tục “hỏi – trả lời” khiến tiết học nặng nề hơn.
Hay như việc tổ chức học theo nhóm thì nhận được nhiều ý kiến chỉ trích là làm thế không sớm thì muộn học sinh cũng sẽ bị… vẹo xương sườn.
Thậm chí, một cách “kỳ cục” hơn, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng sau khi dự giờ tiết Văn (bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”) tại Trường THPT Cửa Lò đã đưa ra yêu cầu: “Giờ giảng phải thổi lửa cho học sinh. Sau bài giảng, phải rút ra vấn đề gì. Ví dụ, bài giảng nói về vẻ đẹp của dòng sông Hương, nhưng giáo viên phải để học sinh sáng tạo và liên tưởng để yêu dòng sông… Lam” (?!).
Cần nhất là sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị
“Việc nhìn nhận cho đúng những tồn tại yếu kém là rất cần thiết, nhưng cái mà đông đảo giáo viên và nhà trường đang rất mong đợi là những quan niệm, những cách làm giản dị, gần với hơn thở của cuộc sống để tự điều chỉnh, tự hoà nhập vào sự tiến bộ.
Nhưng họ lại phải gặp phải không ít những ý kiến quá hàn lâm để phê phán tính hàn lâm, quá chiết tự kinh điển để phê phán sự kinh điển, quá tinh hoa để yêu cầu đối với việc dạy – học cho đại chúng đang từng bước phổ cập, và có khi quá gay gắt đến mức phải chạnh lòng” – PGS Trần Ngọc Giao, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã tâm sự như vậy. Cũng theo ông Giao, để dạy học có hiệu quả, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị.
Ông Giao có “hiến kế” đổi mới PPDH: “Bốn yếu tố cơ bản tạo ra năng lực nghề nghiệp của giáo viên để giảng dạy có chất lượng, là: Đạo đức nghề nghiệp và sự tận tâm; Kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp; Sáng kiến và sự thích ứng trong hoạt động giáo dục; Giao tiếp và hợp tác với đồng nghiệp và học sinh.
Trong điều kiện của nước ta (và ngay cả nhiều nước giàu hơn ta) phải yêu cầu giáo viên biết vận dụng kết hợp các hiểu biết, kinh nghiệm và các phương pháp khác nhau tuỳ theo yêu cầu, điều kiện và đối tượng cụ thể.
Chẳng hạn, các trường phổ thông ở Hàn Quốc buộc giáo viên luôn phải nhớ rằng trong dạy học cần phải: Làm cho học sinh biết tự học, tự vận dụng; Luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi; Làm cho học sinh biết hợp tác và chia sẻ; Tận dụng sự hỗ trợ của phương tiện dạy học.
Hay như ở Singapore, năm 2005 Bộ Giáo dục đề xướng và Chính phủ tuyên bố triển khai cuộc vận động dạy ít học nhiều, sau một thời gian ngắn bằng sự hiểu biết, sáng kiến, kinh nghiệm và sự tận tâm giáo viên đã tự tìm tòi thực hiện và hiệu quả dạy học đã đạt được những kết quả chưa từng thấy”.
Mai Minh (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)