Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng làm “thợ dạy”!

Tạp Chí Giáo Dục

Cần giải phóng nền giáo dục khỏi chiếc khung tù túng của hệ thống quản lý hành chính quan liêu. Cứ để cho nhà trường, người thầy được tự do trong việc thực hiện chức năng xã hội, nghề nghiệp của mình.
Điều đầu tiên để nói như điểm nhấn đáng chú ý về giáo dục trong năm 2012, đó hẳn phải là việc Quốc hội đã lần đầu thông qua một luật chuyên biệt về giáo dục đại học (ĐH). Từ nay, hoạt động giáo dục ở trình độ cao nhất được đặt trong một khung pháp lý dành riêng cho nó.

Sinh viên đại học rất cần sự hỗ trợ đích thực của người thầy. Ảnh: HOÀNG LAN ANH
Giáo dục đại học bí lối thoát
Có thể cho rằng có sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực giáo dục bởi chỉ giáo dục ĐH có luật riêng. Nhưng cũng có thể nói rằng cần có luật về giáo dục ĐH để khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với khu vực nóng nhất trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện tại. Sức nóng ấy được hiểu theo nhiều nghĩa.
 Theo nghĩa tích cực, đó là nơi chịu sức ép hiện đại hóa, đổi mới, hội nhập lớn nhất; là nơi mà giáo dục được xã hội hóa mạnh nhất và sôi động nhất; là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của các đối tác nước ngoài trong quá trình tìm kiếm khả năng xuất khẩu các chương trình đào tạo của mình.
 Theo nghĩa tiêu cực, đó là nơi mà bài toán chất lượng giáo dục vẫn mòn mỏi chờ đợi một lời giải thỏa đáng; là nơi có nhiều nhất những sai phạm bị phát hiện trong nhiều lĩnh vực: đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, quản lý dự án nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý tài chính…
Thực ra, không thiếu nỗ lực, đặc biệt về phía các nhà quản lý giáo dục ở cấp cao, trong việc tìm kiếm, thử nghiệm các biện pháp chỉnh sửa bức tranh giáo dục ĐH trong thời gian vừa qua. Nhưng rồi tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí tiếp tục tệ hơn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này được cho là bệnh chạy theo thành tích trong hoạt động đào tạo: mải mê tạo lập những chỉ số tăng trưởng về ngành nghề, quy mô đào tạo và sẵn sàng chi trả bằng mọi giá để đạt được các mục tiêu ấy. Người ta quên mất việc đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn của người thầy, cũng chẳng nhớ đến việc dành thời gian, công sức thích hợp cho hoạt động nghiên cứu, giao lưu quốc tế về khoa học để hiện đại hóa nội dung giảng dạy.
 Cuộc sống không ngừng thay đổi nhưng ở giảng đường, các bài giảng, cách giảng vẫn giống như ngày hôm qua, hôm kia. Đúng là nhờ các nỗ lực chăm sóc thành tích mà các thành quả về số lượng, tỉ lệ tốt nghiệp, đạt thứ hạng cao ngày càng tăng nhưng nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu về nội dung khoa học, về giá trị ứng dụng của kiến thức được cung cấp.         
Hãy tạo động lực cho người thầy!
Bệnh thành tích, dù rất trầm kha song không phải hết thuốc chữa; vấn đề là nó phải được chữa như thế nào, bằng cách nào thích hợp. Chắc chắn, chừng nào hệ thống giáo dục còn vận hành theo khuôn mẫu hệ thống hành chính thì xu hướng chạy theo thành tích vẫn tồn tại.
Không hẳn trong cơ chế đó, người thầy – với chức năng xã hội chủ yếu là đào tạo con người – không quan tâm đến việc chăm chút, đẽo gọt cho hoàn hảo sản phẩm do mình tạo tác theo các tiêu chí nào đó. Nhưng hầu như không xuất hiện ở họ động lực tự thân để làm việc ấy. Thậm chí, cả việc tìm hiểu, nhận dạng các tiêu chí đánh giá chất lượng công việc của mình, họ có thể cũng chẳng buồn làm. 
Thiếu hẳn mục tiêu chuyên môn đích thực để phấn đấu đạt tới trong công việc, con người ta tất nhiên cũng không hào hứng với việc tự hoàn thiện về phương diện kiến thức, kỹ năng – một trong những điều kiện tối cần thiết để hoạt động nghề nghiệp có thể cho ra sản phẩm, kết quả ngày càng tốt. Nhiều người thầy, sau nhiều năm đứng trên bục giảng với khối tri thức cũ mèm, đông cứng, tất yếu trở thành “thợ dạy”.    
Không khó để từ đó nhận ra bài thuốc tốt nhất để chữa bệnh sùng bái thành tích và bệnh “thợ hóa người thầy”, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục: cần giải phóng nền giáo dục khỏi chiếc khung tù túng của hệ thống quản lý hành chính quan liêu. Cứ để cho nhà trường, người thầy được tự do trong việc thực hiện chức năng xã hội, nghề nghiệp của mình trong việc xác định sứ mạng cũng như tìm kiếm phương tiện để thực hiện sứ mạng đó.
Cứ tin vào giáo dục
Luật Giáo dục ĐH vừa được ban hành và cũng vừa có hiệu lực từ đầu năm nay có rất nhiều quy định mang tính tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho nhà trường, người thầy có được tư thế chủ động trong công việc, từ hoạch định chiến lược phát triển đến xây dựng, thực hiện từng chương trình đào tạo. Đây có thể được coi là một bước chuyển biến mang tính điểm nhấn trong quá trình nỗ lực cải cách nền giáo dục ĐH nước nhà.
Tất nhiên, một khi được thoải mái hành động thì con người sẽ có xu hướng ưu tiên tìm cách thỏa mãn lợi ích riêng và xã hội phải chứng kiến cảnh hỗn độn với đủ thứ thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn ở các sân trường, giảng đường. Nhưng hãy cứ tin rằng bản thân tự do có khả năng tự kiểm soát, tự kiềm chế nội sinh. Trường ĐH được tự chủ tất yếu sẽ có năng lực tự chịu trách nhiệm. Và với khả năng tự điều chỉnh, chọn lọc, đào thải, để có thể sinh tồn và phát triển, như mọi tổ chức có sự sống, môi trường giáo dục ĐH sẽ dần hoàn thiện, tốt lên theo thời gian.
 
 
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật TPHCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)