Lâu nay có tình trạng phổ biến là trong các phiên họp HĐND địa phương, con số tỉ lệ học sinh tốt nghiệp thường được đưa ra làm thước đo chất lượng giáo dục.
Tỉ lệ đậu thấp – ngành giáo dục có vấn đề, cần phải được mổ xẻ, thậm chí cần có ai đó nhận trách nhiệm; tỉ lệ đậu cao – chất lượng giáo dục tốt, ngành giáo dục có thành tích, địa phương có thành tích.
Ảnh minh họa. |
Đạt tỉ lệ đậu cao đến mức bất thường so với năm qua cũng… cứ tốt. Cách nhìn nhận vấn đề kiểu như vậy vừa không khoa học vừa tạo áp lực rất lớn lên cán bộ quản lý giáo dục.
Không khoa học ở chỗ chất lượng giáo dục xét theo đúng nghĩa của nó không chỉ được đo qua điểm số, càng không phải là điểm số các môn được chọn ra để thi. Chất lượng về tư cách đạo đức, về làm người đâu hề được đo đếm qua kỳ thi, có chăng chỉ là một cách phiến diện qua việc thí sinh có thực hiện nội quy thi cử hay không. Điểm số cao thấp mà thí sinh đạt qua một kỳ thi tốt nghiệp hoàn toàn không thể là căn cứ để dự báo khoa học được là sau này ra đời, em đó có thành công dân lương thiện hay không, yêu nước hay không, sống có ích cho cộng đồng xã hội và thân thiện với môi trường thiên nhiên hay không, có thành đạt hay không…
Nếu hiểu hẹp khái niệm chất lượng giáo dục là chất lượng kiến thức văn hóa phổ thông thôi thì kỳ thi tốt nghiệp với sáu môn thi cũng chưa làm thước đo được. Do đó, đánh đồng tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông với chất lượng giáo dục là một quan niệm sai lầm cần sớm được thay đổi. Ai từng công tác trong ngành giáo dục đều biết có nhiều phương cách “tối” để đạt tỉ lệ tốt nghiệp “sáng”. Không ít cán bộ quản lý giáo dục đã không đứng vững nổi trước áp lực phải có tỉ lệ tốt nghiệp cao mà đành chỉ đạo ra đề phù hợp với “trình độ chung” (chứ không phải theo yêu cầu của chương trình!), chỉ đạo coi thi “dễ dễ một chút”, chấm thi “nới tay một chút” hay lo xa hơn thì chuyển trước học sinh yếu qua thi hệ khác coi thi dễ hơn…
Những cán bộ nào trung thực và có bản lĩnh, không thực hiện các thủ đoạn trên mà đi theo con đường thực chất là lo nâng cao chất lượng dạy và học thì phải chấp nhận sự chuyển biến rất chậm chạp trong một số năm, thậm chí phải lùi “một bước” để rồi tiến “hai bước”. Lãnh đạo nào hiểu chiến lược này thì sẽ ủng hộ loại cán bộ có bản lĩnh đó. Còn nếu lãnh đạo tỉnh mà cứ so đo tại sao tỉnh khác người ta nâng tỉ lệ tốt nghiệp lên vài chục phần trăm ngay sau một năm trong khi tỉnh mình vẫn “giẫm chân tại chỗ”, lãnh đạo ấy sẽ chạy theo lợi ích trước mắt, tiếng tăm trước mắt mà quên lợi ích thực chất, tiếng tăm lâu dài để không tin dùng cán bộ quản lý giáo dục trung thực, có bản lĩnh.
Không lâu nữa thôi, xã hội có dịp kiểm chứng lại kết quả thi tốt nghiệp 2010 để hiểu đâu là thực chất – đó là phân tích tỉ lệ thí sinh thi đại học đạt dưới 6 điểm cho ba môn thi theo từng tỉnh. Đề thi đại học tuy có mục tiêu khác với thi tốt nghiệp nhưng luôn bảo đảm môn nào cũng có vài ba câu “thả” cho học sinh trung bình làm được, nghĩa là kiếm được khoảng 2 điểm cho mỗi môn thi.
Không làm nổi câu nào trong một bài thi, thậm chí để bị điểm 0 cho cả ba môn thi thì có đến 99% khả năng đó là học sinh không đáng tốt nghiệp phổ thông. Bộ GD-ĐT cứ chiếu tỉ lệ đạt dưới 6 điểm của thí sinh từng tỉnh mà xếp hạng rồi đối chiếu với bảng tổng sắp trong kỳ tốt nghiệp vừa qua để đánh giá độ tin cậy của kết quả tốt nghiệp mỗi tỉnh.
Bộ làm cho tỉnh, tỉnh làm cho trường. Cần công bố công khai tỉ lệ thí sinh đạt dưới 6 điểm của từng địa phương, từng trường cho xã hội được biết. Làm như vậy sẽ giúp người dân thấy đâu là trình độ thật của con em mình, giúp lãnh đạo tỉnh nhận ra chân giá trị của cán bộ quản lý giáo dục địa phương mình.
Và cũng xin đừng quên một điều: tỉnh nào có tỉ lệ tốt nghiệp cao mà không đúng thực chất, tỉnh đó đang đứng ngoài cuộc vận động “hai không”.
TS HỒ THIỆU HÙNG / Tuoi Tre
Bình luận (0)