Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng lợi dụng công nghệ trong dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy đã trở thành hướng đi tất yếu của giáo dục, đào tạo trong thời đại khoa học phát triển. Đã có nhiều mô hình lớn nhỏ được triển khai ở hầu khắp các bậc học từ mầm non đến đại học, nhằm tăng cường hơn nữa sự hứng thú và những trải nghiệm tích cực cho người học lẫn người dạy.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những trường hợp áp dụng công nghệ thông tin một cách đối phó, mang tính hình thức, phong trào. Tình trạng này gây ra những tâm lý tiêu cực đối với người học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Nếu trong quá khứ, mọi người hay phàn nàn với nạn thầy đọc – trò chép thì hiện nay, mọi người lại một lần nữa lắc đầu ngao ngán với tình trạng thầy chiếu – trò chép. Thay vì ghi bảng, người dạy trình chiếu những slide đầy chữ (cỡ chữ 18-20, đọc mờ đôi mắt), học sinh phía dưới thì cặm cụi chép mỏi tay. Hoặc có trường hợp, người dạy lệ thuộc các slide trình chiếu, chỉ đọc lại những dòng chữ chi chít có trên slide trình chiếu, chứ không giảng thêm bất kỳ chữ nào. Chăm chú đọc chữ trên slide, người dạy có khi còn không quan tâm người học bên dưới đang làm gì, các em có hiểu được nội dung bài học hay không!

Trong một diễn biến khác, tận dụng máy tính và máy chiếu, nhiều giáo viên (và cả giảng viên) cho chiếu những video clip để… giết thời gian. Dễ nhận thấy, những video clip này hoàn toàn không liên quan đến nội dung kiến thức bài học có trong phân phối chương trình; thời gian chiếu cũng rất dài (có khi hết cả tiết học, buổi học; từ buổi này sang buổi khác). Sau khi video clip kết thúc, người dạy cũng không có thao tác cho người học nhận xét, thảo luận hay bản thân người dạy cũng không đúc kết, kết luận gì về video clip, lại càng không có thông tin gì về kiến thức bài học có liên quan. Nhiều học sinh thích thú với việc được xem video clip thay vì phải tập trung tinh thần ngồi học, nhưng nhiều em cũng nhận ra đây là hành động… “lười dạy”, “chán dạy” của thầy cô. Chiếu video clip xong cho về! Các em cảm thấy thời gian học tập bị lãng phí nhưng không có kênh nào để phản ánh, và cũng không dám phản ánh, vì sợ mất lòng thầy cô, ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân.

Thực tế, nếu biết áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, hiệu quả đào tạo sẽ tăng lên gấp bội, giúp người học hào hứng với việc học. Điểm danh bằng máy tính, quay màn hình ngẫu nhiên để gọi tên trả bài cũ, kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến; thuyết trình nhóm thông qua liên kết mạng xã hội; các hình thức vừa chơi vừa học như đi tìm ô chữ, điền vào chỗ trống…; bài học điện tử và các hình thức giảng dạy khác đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực cho giáo dục, đào tạo. Chúng tôi mong mỏi lắm việc người dạy nghiên cứu các mô hình này. Đồng thời, cũng mong mỏi các cấp quản lý tạo điều kiện hơn nữa để người dạy tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhiều khi giáo viên, giảng viên muốn đổi mới nhưng lại vướng phải những quy chế, quy định… lỗi thời, “trói tay, trói chân” những ý tưởng sáng tạo. Hoặc vì bận với những giấy tờ sổ sách không đáng có, các nhiệm vụ kiêm nhiệm không tên mà người dạy không thể toàn tâm toàn ý cho công tác giảng dạy và đổi mới giảng dạy.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)