Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Đừng nản nếu rớt visa xin du học

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã chuẩn bị rất chu đáo các thủ tục cho hành trình du học, nhưng visa là “cửa ải” cuối cùng quyết định chuyện bạn được đi hay ở lại. Trên thực tế, đã có rất nhiều người phải ngậm ngùi xếp lại ước mơ, lựa chọn một hướng đi khác khi không được nước sở tại đồng ý cấp visa. 

Trần Huỳnh Thanh Nhi

Trần Huỳnh Thanh Nhi – cựu học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), hiện là sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường Green Liver Community College (Mỹ) – đã chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về quá trình xin visa đi du học tự túc của mình.

Trường tư thục dễ xin visa hơn

Nhi cho biết bạn từng bị đánh rớt visa tới… 2 lần với chi phí “thất thoát” là 2.400 USD – một khoản tiền không hề nhỏ so với mức sống ở Việt Nam – bao gồm phí phỏng vấn, phí du học sinh và tiền dịch vụ. “Khi phỏng vấn xong, người phỏng vấn sẽ không cho mình biết lý do bị đánh rớt là gì, chỉ đưa cho một tờ giấy trong đó có ghi “không đủ điều kiện” mà thôi. Do đó, mọi lý do dẫn đến việc bị đánh rớt chỉ là sự phỏng đoán của mỗi người”, Nhi nói.

Lần đầu tiên bị đánh rớt, Nhi cho rằng nguyên nhân khiến mình bị đánh rớt là do trong học bạ THPT, bạn khai ba mẹ làm công nhân và có thể vì thế mà người phỏng vấn cho rằng gia đình bạn không đủ tài chính để lo cho quá trình du học tự túc suốt mấy năm trời. Ở lần thứ 2, trong hồ sơ bạn khai là có người thân hiện đang sinh sống ở bang Texas (Mỹ), nơi bạn sẽ du học. Người phỏng vấn đã hỏi rất kỹ về chi tiết này và có thể lý do bạn bị đánh rớt ở lần này là vì họ cho rằng “tôi có yếu tố để không quay về nước sau khi tốt nghiệp”. 

Phải đến lần 3, cơ hội mới mỉm cười với bạn. Nhớ lại quá trình làm hồ sơ xin phỏng vấn lần này, Nhi cho biết: Sau khi nghe tư vấn từ nhiều nguồn, tôi đã chủ động đổi trường, đổi bang vì trường công lập sẽ khó xin visa hơn là trường tư thục. Hơn nữa, Texas lại là bang có nhiều người Việt sinh sống nên sẽ khó khăn trong vấn đề xin visa và gây nhiều trở ngại. “Ban đầu, tôi lựa chọn Texas vì nghĩ rằng ở đó có người thân, sẽ bớt cho mình những bỡ ngỡ ban đầu. Tâm lý của những người vốn quen với sự bảo bọc của gia đình thường lựa chọn hướng an toàn cho bản thân. Nhưng sau một năm học tập, tôi nhận thấy việc lựa chọn không ở trong nhà người thân hóa ra lại là một điều hay. Ở một nơi toàn những người xa lạ, chúng ta phải học cách tự thích ứng trong môi trường mới, chủ động tìm kiếm các thông tin nên con người trở nên hoạt bát và tự lập hơn. Hơn nữa, sống trong một bang có ít người Việt, tôi sẽ có cơ hội được rèn luyện vốn tiếng Anh “nói không ai nghe, nghe mà không hiểu” của mình, có cơ hội được giao lưu và học tập với bạn bè quốc tế”, Nhi phân tích.

Cẩn trọng với các công ty tư vấn du học thiếu uy tín

Nhi cho biết, các trường hợp bị từ chối visa nhiều lần giống bạn không phải là ít. Đa phần nguyên nhân bị từ chối là do không đủ các yếu tố chứng minh tài chính của gia đình, chứng minh khả năng quay về khi học xong, bị trục trặc về giấy tờ, chọn đi không đúng thời điểm hoặc có thái độ thiếu tự tin khi phỏng vấn. “Khi phỏng vấn, các bạn nên cười, nhìn thẳng, nói vừa đủ nghe với người phỏng vấn mình. Không nên rụt rè, thiếu tự tin vì đó có thể là yếu tố để người phỏng vấn cho rằng bạn có vấn đề khuất tất trong hồ sơ”, Nhi khuyên.

Tuy nhiên, Nhi cũng lưu ý các bạn trẻ khi làm thủ tục xin visa nên lựa chọn những công ty tư vấn du học có uy tín, có thể tra cứu trên mạng internet hoặc gọi điện trực tiếp đến công ty để hỏi. “Thông thường, các công ty khi nhận hồ sơ sẽ kiểm tra và yêu cầu bạn bổ sung những giấy tờ còn thiếu. Nhưng bạn cũng không nên quá tin tưởng vào những công ty hứa làm hồ sơ đảm bảo 100% khả năng bạn sẽ vượt qua vòng phỏng vấn. Rất nhiều công ty nhận tiền và sau đó làm giả các giấy tờ như giấy phép kinh doanh, sổ tiết kiệm, bằng cấp… Điều này có thể sẽ giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn, nhưng lãnh sự hay đại sứ quán có thể sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất (thường vào các dịp du học sinh về nước trong các kỳ nghỉ) và nếu phát hiện ra bất kỳ sự gian dối nào, bạn sẽ bị tước visa vĩnh viễn”, Nhi cho hay.

Linh Vy

Bình luận (0)