Không phải người con trưởng thành nào cũng biết cách thể hiện sự quan tâm dành cho các bậc sinh thành. Chính việc không biết cách thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực khiến cho cha mẹ, nhất là cha mẹ đến tuổi xế chiều cảm thấy tâm hồn trống trải, cô đơn… Từ đó, cũng không ít những mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh do sợi dây cảm xúc không được kết nối bằng những lời nói và hành động cụ thể.
Hãy chăm sóc và đừng ngại nói lời yêu thương với cha mẹ. Ảnh: I.T
Kết nối sợi dây cảm xúc với ba mẹ
Gia đình trong guồng quay của xã hội hiện đại tuy có hàng loạt giá trị thay đổi nhưng tình cảm gia đình thiêng liêng sẽ không dễ gì lay chuyển được nếu mỗi thành viên trong gia đình biết yêu thương, san sẻ, cảm thông cho nhau. Tình cảm gia đình dù bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ độ tuổi nào mà khi ta lớn cũng có thể bày tỏ với nhau một cách chân thành và giản dị.
Trên Facebook cá nhân, nam diễn viên nổi tiếng Trương Minh Quốc Thái đã đặt câu hỏi: “Ở lứa tuổi thanh niên và nhất là trung niên, có bao giờ bạn ôm hôn ba mẹ mình chưa?”. Và anh cũng thường chia sẻ hình ảnh và cảm xúc của anh với ba mẹ. Mới đây anh viết dòng tâm sự: “Còn gì hơn khi được thoải mái bày tỏ tình cảm với ba mẹ. Mỗi lần ngồi gần ba má là muốn ôm hun hai “cục cưng” của Thái rồi”.
Chia sẻ của nam diễn viên nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có người thật lòng: “Anh nhắc em mới nhớ khi tuổi lúc bắt đầu lớn là em hầu như không còn ôm ba mẹ nữa rồi, mặc dù rất thương nhưng ngại bày tỏ”.
Nam diễn viên Quốc Thái cho biết: “Tôi chứng kiến sự thay đổi của ba má từng ngày. So với vài năm trước, ba má dần trở thành con nít: đòi gì là phải có liền, không có được là dỗi. Chúng ta hãy thông cảm cho sự thay đổi tính cách ấy… Họ cần lắm một cái nắm tay, một cái ôm, một cái hôn, một sự nâng niu rằng con vẫn luôn đồng hành với ba mẹ đến suốt cuộc đời”.
Có những người con dù rất yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách nào bày tỏ. Ở họ, việc tâm tình và nói với ba mẹ những lời yêu thương như “Con yêu ba mẹ”, “Con nhớ ba mẹ” dường như là một điều gì đó rất ngại ngùng. Điều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một nguyên nhân có thể nhìn nhận đơn giản nhất là bởi họ không có thói quen. Vì sao không có thói quen? Bởi khi cá nhân còn nhỏ, trong sự quan sát và cảm nhận, trẻ không nhận thấy được cách thức thể hiện yêu thương từ ba mẹ mình đối với ông bà, khuôn mẫu này ghi dấu trong tâm hồn trẻ và nó vô tình trở thành một “khuôn mẫu”, “nếp văn hóa”… Xã hội phương Tây, con cái lớn lên vẫn rất dào dạt trao cho ba mẹ những cái ôm, những nụ hôn và những lời yêu thương.
Yêu thương nếu không thể hiện ngay sẽ trở thành muộn màng… Gia đình mãi là nền tảng, là cội nguồn yêu thương. Cội nguồn ấy sẽ trở nên dạt dào hơn nếu được vun đắp từ những trái tim của con cái. Sự vun đắp ấy bắt nguồn từ việc dành thời gian, dành sự sẻ chia, chú ý đến những sở thích của ba mẹ, chăm chút tinh thần và sức khỏe ba mẹ bằng những hành động rất giản đơn như trên không là quá khó để thể hiện lòng hiếu thảo, sự yêu thương… |
Nhưng đối với người Việt Nam những hành động ấy dường như rất ngại ngùng dù thực chất có lúc họ rất muốn mình sẽ hành động như thế… Thiết nghĩ, đối với nếp văn hóa của con người Việt Nam, không cần phải thể hiện yêu thương như cách của người phương Tây mà vẫn có thể mang lại những ấm áp và niềm hạnh phúc vô bờ đến với ba mẹ. Chị Hoa, nhân viên văn phòng chia sẻ rằng, với chị yêu thương được thể hiện bằng những hành động rất giản dị, không cầu kỳ, rất tự nhiên nhưng ba mẹ chị đều rất cảm động và tự hào về con gái mình. Đó là những buổi chiều cuối tuần chị ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, dành một ít thời gian xoa bóp cho ba, rồi tranh thủ những khoảnh khắc ấy chị tâm sự với ba mẹ những điều mà chị đã trải qua với công việc, với gia đình… Chia sẻ để ba mẹ thấy mình còn cần ba mẹ lắm, cần ba mẹ trong hành trình còn lại của cuộc đời dù mình đã lớn lên như thế nào đi nữa. Đối với người cao tuổi, hạnh phúc là cảm thấy mình còn được lắng nghe, được san sẻ và có ích cho con cháu.
Mỗi tháng có bốn tuần, mỗi tuần có bảy ngày, mỗi ngày lại có hai mươi bốn giờ… Yêu thương dành cho cha mẹ đó chỉ là những khoảnh khắc rất nhỏ bé của mỗi ngày nhưng lại rất quý báu. Đối với anh Nhân – nhân viên kinh doanh, sự quan tâm đó là cuộc gọi mỗi buổi sáng sớm hỏi thăm ngày mới hay một cuộc gọi buổi tối hỏi thăm ngày đã qua với ba mẹ. Nó dường như trở thành thói quen không thể thiếu với anh, tuy mỗi lần gọi chỉ một hoặc hai phút, với những câu hỏi quen thuộc… Nhưng anh chưa bao giờ ngưng nghe nụ cười từ phía đầu dây bên kia, nụ cười hạnh phúc của ba mẹ đã khiến anh dù xa gia đình hàng nghìn cây số vẫn cảm nhận những yêu thương rất đỗi đong đầy.
Yêu thương cần thể hiện ngay!
Sự quan tâm hay yêu thương đơn giản đó là lời chúc mừng và món quà sinh nhật trao tận tay, một đóa hồng cho những ngày lễ dành cho phụ nữ với mẹ; một buổi đánh cờ, nhâm nhi một chút hay một cánh thiệp gửi đến ba trong ngày của cha… Đôi lúc, không cần quà cáp mà chỉ cần một lời chúc, lời nhắn gửi yêu thương cũng làm cho các bậc sinh thành nở những nụ cười thật tươi trong tận cõi lòng… Tuy nhiên, có bao nhiêu người trưởng thành đã làm được điều đó? Nhiều người, lúc nhỏ lại rất quấn quýt bên ba mẹ, lúc nào cũng ôm ấp và hôn ba mẹ, nhưng khi lớn lên thói quen ấy tan biến đi do những bộn bề, những mối quan hệ đan xen chằng chịt khác, khiến họ lãng quên đi những điều hiện hữu quý giá nhất… Lúc nhỏ, khi ba mẹ la mắng, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy rất buồn lòng dù sự la mắng ấy xuất phát từ sự răn dạy và yêu con. Nhưng khi chúng ta lớn, ta lại vô tình “la mắng” hay “bực mình” lại với bậc sinh thành… Sự la mắng hay bực mình ấy có hòa trong yêu thương? Hay chỉ là những áp lực vỡ òa trong cảm xúc, để trút giận đâu đó… Tuổi thơ, chúng ta thích thú, hạnh phúc biết bao khi được ba mẹ ôm ấp, vỗ về, được tặng quà, được dẫn đi chơi, được đáp ứng những sở thích… Ba mẹ chúng ta cũng vậy, dù họ không là trẻ thơ nhưng vì họ là người yêu chúng ta, nên rất cần sự quan tâm và yêu thương. Bởi yêu thương khó xuôi một dòng mà cần có sự tương tác qua lại thì cuộc sống của mỗi con người mới đủ đầy và trọn vẹn…
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)