Sáng 10-1, Báo Giáo dục TP.HCM đã tổ chức khai mạc Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 tại Trường THPT Gia Định, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH-CĐ uy tín trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn. Ảnh: L.Vy |
Năm nay, chương trình dự kiến tổ chức tại hơn 100 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và trên 150 trường THPT thuộc các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm giúp các em học sinh có những kỹ năng cơ bản trong việc lựa chọn ngành, trường học phù hợp năng lực, đam mê, sở thích của mình, qua đó tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.
70% trường xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia
Trao đổi với các em học sinh về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết năm 2018, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. So với năm 2017, đề thi THPT quốc gia năm nay có sự khác biệt, cụ thể là đề thi sẽ có nội dung kiến thức của cả khối 11 và 12. Theo đó, đề thi vẫn có 2 tổ hợp bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng khi làm hồ sơ. Hầu hết các trường ĐH đều tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT, chỉ tuyển sinh mỗi năm 1 lần và dự kiến ít nhất sẽ có 70% các trường ĐH xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong số này, có một số trường sẽ dành chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, một số trường lại có thêm kỳ kiểm tra năng lực hoặc một kỳ thi riêng song hành với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, các em phải tìm hiểu kỹ các thông tin về quy chế tuyển sinh của các trường để tránh những thắc mắc về sau.
Đúng định hướng của ngành GD-ĐT TP.HCM
Ông Phạm Ngọc Thanh (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM thực hiện trong những năm qua rất đúng với định hướng của ngành GD-ĐT TP. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận và trân trọng việc làm này. Trong bối cảnh học sinh có nhiều con đường để chọn, nhiều thông tin để xem mà cái nào cũng hấp dẫn các em thì chương trình của báo là một kênh thông tin chính thống giúp các em lựa chọn ngành nghề đúng với sở thích, đam mê của mình. “Trong suốt cuộc đời của mỗi con người, có những quyết định ảnh hưởng đến tương lai, thành công và sự nghiệp thì quyết định chọn ngành nghề là một trong số đó. Chúng tôi mong rằng, qua những thông tin từ chương trình, các em sẽ chọn được ngành nghề phù hợp nhất với đam mê, năng lực của mình, phù hợp với thị trường lao động thời gian tới”, ông Thanh nhắn nhủ. |
Ngoài ra, TS. Lê Thị Thanh Mai cũng cho biết, hiện nhiều trường có xu hướng mở rộng việc xét tuyển học sinh giỏi, học sinh các trường có điểm bình quân kỳ thi THPT quốc gia cao qua các năm. Ngoài ra, các trường còn dành những học bổng “khủng” cho các học sinh tiềm năng, học sinh ưu tú, có kết quả thi THPT quốc gia xuất sắc. “Với thành tích nổi bật trrong nhiều năm qua, hiện Trường THPT Gia Định là một trong những trường nằm trong “tầm ngắm” của rất nhiều trường ĐH, Học viện. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý các em rằng: Cơ hội đến với các em rất nhiều, nhưng đừng vì vậy mà làm mất đi phương hướng lựa chọn ngành nghề, các em phải lấy xuất phát điểm từ việc chọn ngành nghề mà mình đam mê. Với sức học của các em dư sức vượt qua kỳ thi THPT quốc gia, dư sức vào được ĐH nhưng vấn đề cốt lõi là các em vào được ngành nào, trường nào mình thật sự yêu thích”, TS. Lê Thị Thanh Mai phân tích.
Nguy cơ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020
Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM), những tác động từ việc thâm nhập sâu rộng vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường lao động nước ta. Đã có cảnh báo về việc Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và có chỉ số cạnh tranh nhân lực 4,3/10 điểm. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, CNTT, làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Đưa thông tin chính thống đến nhà trường, phụ huynh Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết, nhằm góp phần cùng ngành và xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, Báo Giáo dục TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động, nhiều chương trình để đưa thông tin ngành nghề đến với thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh. Dự kiến, thời gian tới Báo Giáo dục TP.HCM sẽ phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tham gia công tác hướng nghiệp tại các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM để họ có những kỹ năng, kiến thức khi hướng nghiệp cho học sinh. |
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, để đón đầu và sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Người lao động buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong đó đặc biệt là chuyên ngành CNTT. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Do đó, bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.
Ngành giáo dục rất cần những người thầy giỏi
Trước những chia sẻ chân tình của Ban tư vấn, các em học sinh đã mạnh dạn nói ra những thắc mắc của mình về quy chế tuyển sinh, chất lượng đào tạo, nhu cầu nhân lực trong thị trường lao động hiện nay. Em Nguyễn Đình Quốc Tuấn (lớp 12CL) hỏi: “Em nghe nói ngành sư phạm năm ngoái lấy điểm không cao. Vậy chất lượng đào tạo liệu có đảm bảo không? Nếu như em chọn ngành sư phạm thì sau này ra trường có việc làm không, vì em nghe nói hiện đang thừa rất nhiều giáo viên?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Lê Ngọc Tứ (đại diện Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) khẳng định: Một số ngành sư phạm năm qua lấy điểm rất thấp nhưng chỉ là một số trường đào tạo ngành sư phạm ở các tỉnh, còn chất lượng đầu vào của những trường sư phạm chất lượng cao như hai trường sư phạm trọng điểm của cả nước là ĐH Sư phạm Hà nội và ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn lấy điểm chuẩn rất cao. Ví dụ, ngành sư phạm toán năm vừa qua lấy 26,25 điểm; sư phạm Anh, hóa lấy 26 điểm – tức mỗi môn phải đạt 8,5 điểm trở lên mới đủ điểm vào. Dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ ra quy định điểm sàn chung cho các trường sư phạm để đảm bảo chất lượng đầu vào. “Tuy nhiên, hiện nay các trường sư phạm rất chú trọng đầu ra nhằm đảm bảo chất lượng, nghiệp vụ của người giáo viên trong tương lai. Sau 4 năm, sinh viên nào đạt chuẩn đầu ra theo kiểm định mới được ra trường. Trong sự đổi mới của giáo dục phổ thông (bắt đầu từ 2019) cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành sư phạm sẽ có sự thay đổi. Hiện nay, ngành sư phạm dù thừa giáo viên nhưng sẽ vẫn rất thiếu giáo viên chất lượng cao và thiếu giáo viên ở những ngành nghề khác. Hệ thống các trường tư thục, quốc tế hiện nay cũng đang rất cần giáo viên. Trong sự đổi mới của GD-ĐT, TP.HCM sẽ cần rất nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được nhu cầu này”, ThS. Lê Ngọc Tứ phân tích.
Ngọc Anh
Bình luận (0)