Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại các trường: Trường THPT Kỳ Anh; THPT Trần Phú; Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
ThS. Nguyễn Công Kỳ
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT tổ chức với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Nhiều cơ hội ở nhóm ngành ngôn ngữ
Là địa phương thuộc dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài khoảng 137km. Những năm gần đây, Hà Tĩnh rất chú trọng đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cần nhiều nguồn nhân lực để phát triển địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhìn thấy được tiềm năng của tỉnh này, các chuyên gia tư vấn đã giới thiệu cho các em cách chọn ngành nghề, trường học, bậc học và phương thức xét tuyển phù hợp để các em lựa chọn đón đầu xu thế.
Theo ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo Phía Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng, với tiềm năng của Hà Tĩnh, các ngành nghề về bất động sản, kinh tế, du lịch, kỹ thuật, ngôn ngữ sẽ chiếm ưu thế. Ngành nào cũng giúp người học tìm được việc làm, nhất là khu vực huyện Kỳ Anh. Bởi nơi đây đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, khi sinh viên học ra trường, bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, nếu có đầy đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng sẽ có được việc làm tốt. “Năm 2022 có các phương thức tuyển sinh: dựa vào học bạ; kết quả thi tốt nghiệp THPT; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG; tuyển thẳng và kỳ thi riêng của từng trường. Dựa vào đó, thí sinh có thể lựa chọn để đăng ký ngành học phù hợp”, ThS. Kỳ gợi ý.
ThS. Biện Văn Quyền
Tư vấn cho học sinh về ngành ngôn ngữ Trung, ThS. Biện Văn Quyền (Phó ban tuyển sinh Trường ĐH Hà Tĩnh) cho biết, hàng năm ngành ngôn ngữ Trung thu hút rất nhiều sinh viên Hà Tĩnh theo học. Khi học ngành này, sinh viên không chỉ được đào tạo những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, thành tạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn trang bị những kiến thức về kinh tế, văn hóa, du lịch của nước Trung Quốc. “Tại Trường ĐH Hà Tĩnh, ngành ngôn ngữ Trung tuyển sinh theo 6 phương thức, trong đó phổ biến nhất là phương thức xét tuyển dựa vào học bạ. Trong quá trình học ngành ngôn ngữ Trung, sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, kiến tập từ 6 tháng đến 1 năm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính vì thế, tỷ lệ sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp rất cao với mức thu nhập hấp dẫn”, ThS. Quyền cho hay.
TS. Hoàng Vĩnh Phú
Với câu hỏi của một nữ sinh về việc nên chọn học ngành ngôn ngữ Anh hay chọn ngành khác và sau đó học thêm tiếng Anh, TS. Hoàng Vĩnh Phú (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Vinh) thông tin, ngôn ngữ Anh là một trong 56 ngành đào tạo của trường. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngôn ngữ Anh có việc làm tại các khu vực lân cận như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng như cả nước rất cao. Ngành ngôn ngữ Anh có nhiều hướng đi: biên phiên dịch; giảng dạy… “Tiếng Anh là ngôn ngữ tạo nên thế mạnh cho nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay. Đây là ngôn ngữ quan trọng, được đánh giá cao. Tùy vào nhu cầu, sở thích, sinh viên có thể chọn học ngành ngôn ngữ Anh hoặc cũng có thể chọn ngành khác, học thêm ngoại ngữ để phát triển trong tương lai”, TS. Phú chia sẻ.
Giải đáp về ngành cắt gọt kim loại cho các em học sinh TS. Cao Thành Lê (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh) thông tin, cắt gọt kim loại thuộc nhóm ngành kỹ thuật, nằm trong 43 ngành đào tạo của trường.
Đào tạo nhân lực vững chuyên môn
Do ngành cắt gọt kim loại được xem là ngành trọng điểm của trường nên được đào tạo theo chương trình tiên tiến của Đức, đảm bảo tạo ra nguồn nhân lực vững chuyên môn, tay nghề. “Tại Trường CĐ Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh, ngành cắt gọt kim loại đào tạo 30% lý thuyết, 70% thực hành, học phí 940 ngàn đồng/tháng. Bên cạnh đào tào, nhà trường còn quan tâm đến hoạt động gắn kết giữa với doanh nghiệp giúp sinh viên vừa có cơ hội học tập, trao đổi vừa tìm được việc làm. Nhà trường nhận hồ sơ tuyển sinh từ tháng 2 đến tháng 10-2022, nhập học đợt 1 vào khoảng ngày 10-9”, TS. Lê cho biết.
Ban tư vấn
Nói về ngành thiết kế đồ họa, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, ngành này trang bị kiến thức về nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại. “Năm 2022, ngành thiết kế đồ họa có 4 tổ hợp môn, trong đó tổ hợp toán, lý, vẽ và toán, văn, vẽ buộc thi vẽ. Riêng tổ hợp toán, lý, hóa hoặc toán, văn, tiếng Anh không cần thi vẽ. Nếu chọn tổ hợp có môn vẽ, thí sinh có thể tham dự kỳ thi vẽ do trường tổ chức hoặc thi vẽ ở một trường ĐH khác lấy kết quả đó xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ngành thiết kế đồ họa có học phí từ 12-13 triệu học kỳ, 1 năm học 3 học kỳ”, ThS. Dung nhấn mạnh.
Trước băn khoan của học sinh về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, ThS. Lê Phan Quốc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay, kỳ thi này khác biệt với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG. Bài thi chỉ liên quan đến kiến thức của một môn học. Ví dụ sinh viên vào ngành sư phạm toán sẽ thi môn toán; sư phạm văn thi văn; sư phạm sử thi sử… Cho nên, phương thức này chỉ có thể đăng ký thi vào một số ngành nhất định.
P.V
Bình luận (0)