Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (tỉnh Tây Ninh). Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ.
Chuyên gia tư vấn cho học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ
Cần nhân lực du lịch, nhà hàng
Chương trình đã giúp các em học sinh tháo gỡ được những khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề, trường học cũng như phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2023. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh (lớp 12A9) thắc mắc: “Em muốn học ngành hướng dẫn viên du lịch nhưng không biết nhu cầu việc làm của ngành này ra sao?”. Thầy Phan Văn Thành (Trường CĐ Du lịch Sài Gòn) cho biết, theo thống kê, từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 10 Tết Quý Mão, tỉnh Tây Ninh đón hơn 1 triệu lượt du khách đến tham quan. Và trong kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tỉnh này sẽ phát triển du lịch theo ngành kinh tế mũi nhọn. Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh Tây Ninh cần nguồn lực lớn đối với ngành hướng dẫn viên du lịch. Tại Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, ngành hướng dẫn viên du lịch đào tạo trong thời gian 2,5 năm. Năm 2023 trường có tổ chức thêm ngành hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng quốc tế. Những em có mong muốn học ngành hướng dẫn viên du lịch của trường có thể lựa chọn 3 phương thức: Dựa vào điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm trung bình 3 học kỳ và dựa vào tổ hợp môn. “Ngành hướng dẫn viên du lịch phải đi nhiều. Tuy nhiên những em không thích đi xa vẫn có thể làm hướng dẫn viên du lịch tại điểm tham quan như khu du lịch Núi Bà Đen, Tây Ninh”, thầy Thành gợi ý.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ đặt câu hỏi
Cùng với du lịch, lĩnh vực nhà hàng – khách sạn cũng được các em học sinh quan tâm đặc biệt là đối với ngành bếp bánh. Thầy Huỳnh Thanh Duy (Trường hướng nghiệp Á – Âu) cho biết, đây là ngành học đầy triển vọng trong tương lai. Những em muốn học ngành này có thể học tại Trường hướng nghiệp Á – Âu với hệ ngắn hạn đào tạo từ 2-6 tháng, lịch học tự chọn. Các em có thể học vào thời gian rảnh, cuối tuần hoặc buổi tối (1 tuần 3 buổi, một buổi 3 tiếng). Tại đây, các em có thể chọn khóa học làm bánh kem, bánh mì, bánh Âu, bánh Việt, bánh Hoa… hoặc yêu cầu trường thiết kế khóa học riêng cho mình. Ngoài ra, các em cũng có thể chọn học tại Trường TC Kinh tế – Du lịch TP.HCM với khóa ngắn hạn 6 tháng hoặc 2 năm để nhận bằng trung cấp, học phí dao động từ 25-52 triệu đồng (bao gồm đồng phục, nguyên liệu làm bánh và tài liệu học tập). “Sau khi tốt nghiệp ngành bếp bánh, các em sẽ được giới thiệu làm việc tại các nhà hàng – khách sạn 4-5 sao. Nếu các em có nhu cầu làm việc tại các khu du lịch lớn ở Phú Quốc, Đà Nẵng… nhà trường sẵn sàng giới thiệu đảm bảo việc làm 100%”, thầy Duy khẳng định.
Đào tạo theo xu hướng thị trường
Trong chương trình, em Gia Huệ (lớp 12A1) hỏi: “Ngành quản trị nhân sự học ra trường làm gì, phương thức xét tuyển ra sao?”. ThS. Nguyễn Thanh Vân (Trường ĐH Hoa Sen) cho hay, quản trị nhân sự là một trong những ngành thuộc Khoa Kinh tế quản trị của trường. Phương châm của trường là đào tạo sinh viên theo xu hướng thị trường đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm. “Ngành quản trị nhân sự là quản lý con người nhằm mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị. Khi làm việc, người làm quản trị nhân sự sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm những người phù hợp mà cơ quan, đơn vị cần để mang lại hiệu quả kinh doanh. Ngược lại, chúng ta phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua việc đề xuất chính sách lương thưởng hợp lý, phúc lợi xã hội cho từng người, từng đối tượng để giữ chân họ ở lại làm việc. Năm 2023 Trường ĐH Hoa Sen xét tuyển các phương thức: Học bạ (dựa theo 3 học kỳ; 5 học kỳ; 6 học kỳ); xét theo tổ hợp môn; điểm thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng và kỳ thi đánh giá năng lực”, ThS. Vân thông tin.
Các em học sinh theo dõi chương trình
Em Nguyễn Thị Yến Nhi (lớp 12A9) băn khoăn: “Em có quan tâm đến ngành quản trị luật nhưng không biết sự cạnh tranh của ngành này ra sao?”. ThS. Trịnh Như Quỳnh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, ngành này đào tạo trong thời gian 5 năm (178 tín chỉ đối với hệ đại trà hoặc 200 tín chỉ với hệ chất lượng cao). Theo đó, sinh viên phải học cùng lúc 2 ngành là luật và quản trị kinh doanh, ra trường nhận 2 bằng: luật học và quản trị kinh doanh. Ngành luật và quản trị kinh doanh có mối liên hệ với nhau nên việc kết hợp 2 ngành này tạo thành ngành quản trị luật mang lại cơ hội cho người học. Ngành quản trị luật còn giúp người học có thể cạnh tranh trong thị trường lao động vì sở hữu cùng lúc 2 tấm bằng giá trị. “Theo số lượng thống kê của trường, sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị luật từ 5 năm trở lại đây từ 60-70% sinh viên ra trường có việc làm ngay. Phần còn lại do sinh viên không muốn làm việc xa nhà, muốn về quê làm việc… nên chờ việc. Ngành quản trị luật có nhiều cơ hội việc làm. Các em có thể làm việc ở tòa án, ngành công an, quân đội, các công ty doanh nghiệp, ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, bất động sản…”, ThS. Quỳnh cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)