Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Đúng ngành nghề – sáng tương lai” lần 9: “Phủ sóng” gần 200 trường THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-1, Báo Giáo dục TP.HCM đã tổ chức Khai mạc chương trình Tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” lần 9 năm 2017 tại Trường THPT Phú Nhuận. Hơn 20 chuyên gia tư vấn đến từ các trường ĐH, CĐ đã giải đáp thắc mắc cho học sinh (HS) xung quanh những điểm mới về phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh này.

Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM Nguyễn Thanh Tú tặng hoa cho ban tư vấn

Nhiều điểm mới trong phương thức xét tuyển ĐH

Với mong muốn cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thông tin về đào tạo nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cho các em HS THPT, chương trình dự kiến tổ chức tại hơn 90 trường THPT trên địa bàn thành phố và khoảng 100 trường THPT các tỉnh thành lân cận.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cung cấp những nét mới dự kiến áp dụng tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Ngay tại buổi khai mạc, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điều chỉnh so với kỳ thi năm 2016, đặc biệt là phương thức xét tuyển ở các trường ĐH và CĐ. Ông Nghĩa cho hay: “Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn ĐH nhưng theo tôi không tác động đến xét tuyển ĐH, đặc biệt là với HS thành phố nói chung và HS Trường THPT Phú Nhuận nói riêng”. Ông Nghĩa đưa ra dẫn chứng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, điểm bình quân 3 môn thi bắt buộc của HS Trường THPT Phú Nhuận là 18,2 điểm, trong khi của cả nước chỉ hơn 13 điểm. “Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT dự kiến không giới hạn số nguyện vọng đăng ký nhưng các trường sẽ xét tuyển 1 nguyện vọng cao nhất từ trên xuống nên các em phải cân nhắc khi đăng ký xét tuyển. Đồng thời, việc tổ chức cho HS đăng ký xét tuyển có thể tiến hành đồng thời khi làm hồ sơ dự thi (dự kiến ngày 1-4) nhưng HS được quyền điều chỉnh sau” (ông Nghĩa chia sẻ thêm). Nói về nội dung thi, ông Nghĩa cho hay, năm trước thí sinh thi tối thiểu 4 môn nhưng năm nay sẽ thi tối thiểu 4 bài (thi ít nhất 6 môn).

Nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) phát biểu tại chương trình khai mạc

Với những điều chỉnh này, HS sớm phải chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với bản thân, không thể đợi có kết quả THPT mới bắt đầu lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều kênh tuyển sinh khiến không ít HS băn khoăn, lo lắng. Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập báo Giáo dục TP.HCM cho biết: “Mỗi năm, thành phố có hơn 70 ngàn HS trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề và 140 ngàn HS lớp 10, 11 cũng bắt đầu tìm hiểu về ngành nghề của mình trong tương lai. Theo khả sát riêng của báo Giáo dục TP.HCM, có gần 30% HS chọn ngành nghề thông qua thông tin từ thầy cô giáo, bạn bè tại trường mình theo học. Gần 40% HS chọn ngành nghề qua truyền thông và 30% các em chọn nghề qua các kênh khác như gia đình hay chọn đại…”.  Từ vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú cho rằng chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” sẽ là kênh thông tin giúp các em nắm rõ những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thêm các tổ hợp môn xét tuyển

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM Nguyễn Quốc Anh trả lời câu hỏi của học sinh
Các học sinh chăm chú theo dõi thông tin

Tại chương trình, không ít HS băn khoăn năm nay các trường có những tổ hợp môn xét tuyển mới nào, trường nào tổ chức tuyển sinh riêng?… Nam Phương, lớp 12 A18 băn khoăn: “Năm trước, Trường ĐH Luật TP.HCM đã thay đổi phương thức xét tuyển, vậy năm nay trường có tiếp tục thay đổi hay không?” Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hiển, Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Luật TP.HCM giải đáp: “Từ năm 2016, trường chúng tôi đã tổ chức xét tuyển khác với nhiều trường ĐH khác. Dự kiến năm nay chúng tôi vẫn xét tuyển theo phương thức cũ, đó là dựa vào 3 tiêu chí: điểm học bạ, kết quả thi THPT quốc gia và bài kiểm tra đánh giá năng lực do trường tổ chức. Tuy nhiên, tỷ trọng từng tiêu chí sẽ thay đổi, dự kiến tỷ trọng bài kiểm tra đánh giá năng lực sẽ hơn 20%”.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi với ban tư vấn
ThS. Nguyễn Văn Đương (Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) trả lời thắc mắc của học sinh

Một HS khác đặt câu hỏi giấy: “ĐH Kiến trúc TP.HCM sẽ xét tuyển như thế nào, khi nào chúng em bắt đầu nộp hồ sơ, có tổ hợp môn mới hay không?”. Ông Võ Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Kiến trúc thành phố chia sẻ: “Trường xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia, riêng các môn thi năng khiếu nhà trường sẽ tổ chức riêng,dự kiến sẽ thông báo tại website của trường vào tháng 3”. Đối với các tổ hợp môn xét tuyển mới, ông Tuấn cho biết nhóm ngành kiến trúc quy hoạch ngoài xét tuyển tổ hợp toán, văn, vẽ kỹ thuật năm nay sẽ có thêm toán, lý, vẽ kỹ thuật; nhóm ngành kỹ thuật ứng dụng ngoài tổ hợp toán, văn, vẽ trang trí màu sẽ có thêm toán, tiếng Anh, vẽ trang trí màu; nhóm ngành kỹ thuật xây dựng ngoài tổ hợp toán, vật lý, hóa học sẽ có thêm toán, vật lý, tiếng Anh.

Bài: Dương Bình
Ảnh: Mê Tâm

Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM) phát biểu tại buổi tư vấn

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT thành phố phát biểu: “Nếu chọn sai ngành, sai nghề, sai trường, không chỉ bản thân các em mà gia đình và cả xã hội phải trả giá nhưng hiện nay nhiều em vẫn thiếu cân nhắc khi lựa chọn. Tôi tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, chương trình Tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tươi lai” sẽ giúp các em đánh giá được năng lực, sở thích bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, trường nào để lựa phù hợp”.

 

Nhiều học sinh tiếp tục đặt câu hỏi cho ThS. Nguyễn Văn Đương (Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) ngay khi chương trình đã kết thúc

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập báo Giáo dục TP.HCM thông tin: Góp phần cùng ngành và xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, trong nhiều năm qua chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động, nhiều chương trình để đưa ngành nghề đến gần các em HS hơn. Trong đó có định hướng thông qua truyền thông báo giấy, báo mạng, các tạp chí của báo Giáo dục TP.HCM; Cung cấp thông tin qua các chương trình trực tiếp tại trường cho HS, phụ huynh, thầy cô giáo như hội thảo, ngày hội: Chương trình Tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” từ lần 1 đến lần 8 tại gần 200 trường THPT mỗi năm; Chương trình truyền hình trực tiếp “Cùng bạn quyết định tương lai” phối hợp với Đài truyền hình thành phố và Đài phát thanh và truyền hình của 20 tỉnh thành từ miền trung trở vào…

 

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM Phạm Tấn Hạ tiếp tục giải đáp câu hỏi các học sinh sau giờ diễn ra chương trình
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM Nguyễn Quốc Anh trả lời câu hỏi của học sinh
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) chia sẻ về nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề thời gian tới
Đại diện các trường trả lời câu hỏi của học sinh
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận chuẩn bị và biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại chương trình khai mạc

 

Bình luận (0)