Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dùng nghệ thuật chống nạn buôn người

Tạp Chí Giáo Dục

 Diễn ra đến hết ngày 26-5 tại rạp Công Nhân, Hà Nội nhưng chỉ mở cửa cho công chúng duy nhất vào hôm nay (24-5), cuộc triển lãm khá độc đáo của MTV Exit (chiến dịch chấm dứt nạn bóc lột và buôn bán người) mở ra những câu chuyện đau đớn mà thấm thía…

Triển lãm khiến người xem phải rùng mình trước tính nghiêm trọng của nạn buôn người – Ảnh: Nga Linh
“Vào khoảng tháng 10-2010, Hầu Thị C. (sinh năm 1974) và con gái Vàng Thị G. (sinh năm 2010) ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang bị đối tượng Hầu Sào Sình ở xã Bạch Đích lừa sang Trung Quốc bán với giá 9.000 nhân dân tệ (khoảng 30 triệu đồng)”. Hàng loạt những chú thích tên người, gốc gác, cách thức bị bán và cả giá bán như thế được dán dưới từng bức ảnh đen trắng trong cuộc triển lãm hỗ trợ cho MTV Exit.
Ống kính của Na Sơn ghi lại 16 câu chuyện của 16 nạn nhân ở vùng biên giới Hà Giang (nơi tập trung rất nhiều nạn nhân của nạn bắt cóc) đã bị đem bán và may mắn được giải cứu hoặc tự trốn thoát thành công. Điểm chung là họ đều bị che mặt bởi những bảng mã vạch hàng hóa trắng đen quen thuộc.
Đối diện những bức ảnh này là những chiếc lọ thủy tinh bày trên bục, bên trong đựng những lọn tóc dày. Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên nhận được số tóc này từ sự ủng hộ của 120 sinh viên các trường đại học khắp Hà Nội. Cũng giống như những bức ảnh, từng chiếc lọ đều dán nhãn hàng hóa.
Không bằng cách nhắc đi nhắc lại về cụm từ “nạn mua bán người” hay “chiến dịch chấm dứt nạn mua bán và bóc lột sức lao động con người” của MTV Exit, những gương mặt, mẫu tóc dán mác hàng hóa khiến người xem phải rùng mình khi liên tưởng đến những sinh mệnh đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ có hơi thở và đầy cảm xúc, lại bị đổi chác bằng tiền không hơn một thứ hàng ngoài chợ.
Chỉ mở cửa cho công chúng trong một ngày, ban tổ chức MTV Exit thẳng thắn thông báo đối tượng họ muốn nhắm đến trong chiến dịch toàn cầu này là hơn 700 đoàn viên Hà Nội được các trường đại học cử đến tham quan và học tập. Ban tổ chức cũng nhận thức được rằng không phải cứ treo ảnh, sắp đặt, phát những cuốn sách tuyên truyền về “vấn đề xã hội nghiêm trọng” là có thể dễ dàng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Bởi vậy, ở nửa phần còn lại của không gian triển lãm, nghệ sĩ Phan Ý Ly và cộng sự Hồ Ngọc Bảo Khiêm chờ đợi đón từng đoàn sinh viên. Tại đây, chị hướng dẫn các bạn bắt đầu từ những tình huống đơn giản: hãy dắt tay một người khi họ nhắm mắt, hãy giả tưởng gia đình mình rất khó khăn và bỗng nhiên một người lạ xuất hiện… Sinh viên lần lượt được yêu cầu vào các vai khác nhau, đối mặt với các cảm xúc, đưa ra các lựa chọn. Những câu hỏi, yêu cầu, hướng dẫn của Phan Ý Ly đều thực hiện dựa trên việc nghiên cứu các trường hợp mua bán người, và không có cách nào để sinh viên hiểu nhanh hơn bằng việc đưa họ “tham gia hành trình cảm xúc”, tiếp cận “nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người”.
Sau khi kết thúc 40 phút tương tác, Nguyễn Thị Lan Hương (ĐH Thủy lợi) chia sẻ: “Sân khấu hóa ra không phải là các trò chơi thuần túy. Từ các tình huống, tôi dần dần hiểu rõ hơn những uẩn khúc và sức ép của người trong cuộc”.
Những ai không thể đến xem triển lãm có thể tiếp tục bổ sung kiến thức khi truy cập vào trang điện tử của MTV Exit Vietnam 9 (mtvexit.org/vietnam), nơi có đầy đủ các số điện thoại, đường dây nóng và mọi tình huống lưu ý nhằm chống nạn buôn người.
Theo TTO

Bình luận (0)