Tòa soạnThư đi – tin lại

Đừng nghĩ mình có tài rồi được phép… có tật

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít bạn trẻ cho rằng “có tài ắt có tật” và thường dựa vào câu nói ấy để biện minh cho những sai lầm khi mình phạm phải. Liệu có phải như thế?
Chưa thấy tài đã thấy tật
Những ngày này, Lê Trung Phong Phú SV Trường ĐH Hồng Bàng không đến lớp mà hàng ngày chỉ ngủ với ngủ, lo nghĩ tìm cách trả những khoản tiền nợ trên chục triệu – hậu quả sau những ngày “cày” game. Ngoài ra, Phong Phú còn biết hầu hết những “món bài” và thường xuyên “thử tài” trên các chiếu bạc. Mặc dù vậy, Phong Phú vẫn cười xòa “rồi sẽ giải quyết được, có tài mà lo gì, tiền bạc mất rồi sẽ có, chẳng qua vì mình làm biếng “cày” chứ “cày” thì sẽ xong ngay”. “Cày” ở đây theo Phong Phú chính là vẽ, thiết kế những bản thảo kiến trúc xây dựng cho các công ty xây dựng. Và “tài” theo Phong Phú “tự nhận” chính là những hoa tay, là khiếu vẽ và phác thảo ý tưởng. “Phải chấp nhận cái tật chứ, ai đâu chỉ có tài không. Hai điều này luôn phải song song nhau”, Phú nói với chúng tôi.
Tương tự, bạn Trương Lê Hoài Ân SV Tường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM cũng đổ thừa cho “cái tật” cố hữu của mình là “nghiện” game bởi vì mình có “tài”. Được biết, Ân đang là cộng tác viên của một tạp chí tin học, có những bài viết, phần mềm vi tính hữu ích. Ân cho biết: “Chơi game chẳng qua là “hỗ trợ” cho việc tiếp cận máy tính, giúp mình học tốt hơn trong chuyên ngành mà thôi”. Thế nhưng khi nói về việc chơi game cũng đã phần nào “giúp” Ân có thêm những thói quen xấu khác như nghiện thuốc lá, bỏ bê việc học… thì Ân chống chế: “Lẽ nào cứ lao đầu vào học chứ, mình được cái này thì phải mất cái kia, đó là điều tất yếu mà”.
Đừng biện minh khi sai!
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã làm một khảo sát nho nhỏ dành cho SV của nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM với 300 phiếu được phát ra với nội dung câu hỏi: Bạn có đồng ý với suy nghĩ “Có tài ắt có tật” hay không? Thật ngạc nhiên khi hơn 240 phiếu đồng ý. Nhiều SV không ngần ngại nói thẳng rằng: “Điều này là chính xác, vì đúng nên mới có câu nói ấy và truyền đến bây giờ chứ”?. Nhiều ý kiến khác lại nói: “Đâu ai có thể hoàn thiện được, phải có cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu, và hãy chấp nhận cái sai cái xấu đó”.
Tuy nhiên, theo bạn Thành Hưng, SV khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì kiểu biện minh như thế là không đúng. “Hầu hết khi ai mắc lỗi gì đều dựa vào cái hay, cái “tài” mà mình tự xưng để chống chế cái khuyết điểm. Nhưng như vậy là sai lầm. Chúng ta là SV, là lớp người trẻ, phải có cái nhìn đúng đắn và chính xác chứ đừng để cái lối nghĩ không chính xác ấy áp đặt bản thân rồi sa vào những sai lầm lớn hơn”.
Cùng quan điểm, bác Toàn, một cán bộ hưu trí ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM nói: “Từ khi sinh ra, có thể tài và tật đã tự có trong mỗi con người chúng ta nhưng đừng cứ suy nghĩ ấu trĩ chấp nhận cả hai. Không được như vậy mà nên làm thế nào để phát huy hơn nữa cái tài giúp hoàn thiện bản thân, và khi có tật đừng nên viện cớ này nọ mà phải thẳng thắn nhận lỗi và quyết tâm loại bỏ cái tật ấy ngay”.
Ánh My

Đinh Hồng Tuyến, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM:
“Thật sai lầm khi nói có tài ắt có tật. Thử nghĩ, một người có tài có tật song hành và một người có tài nhưng không có tật thì ai được mọi người kính trọng hơn. Và chắc chắn ai cũng trả lời được đó là người thứ hai. Vậy thì tại sao không loại bỏ ngay suy nghĩ ấy ra khỏi tâm trí của mình”.

 

Đào Anh Thy, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:
“Trong lớp mình cũng có vài cá nhân có tài nhưng càng ngày mình càng thấy các bạn ấy giỏi hơn chứ chẳng có tật gì. Mình nghĩ, đó chính là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, phấn đấu rèn luyện, học tập mà có được. Chúng mình luôn lấy đó làm tấm gương phấn đấu”.

 

Phạm Thanh Sỹ, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM:
“Nếu như quả thật có khái niệm có tài và có tật thì nên cố gắng làm sao cho cái tài vượt trội lên, lấn át đi cái tật, chứ đừng để hai điều ấy song hành với nhau. Vì như vậy chúng ta sẽ đi lệch hướng và không thể nào trưởng thành được”.

 

Phạm Tâm Long, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM:
 “Nếu chấp nhận cái tật thì cái tài sẽ dần bị mai một, thui chột và không còn nữa, chắc chắn là như vậy. Muốn giữ được cái tài thì phải gạt bỏ và tránh xa cái tật”.

 

Ảnh: T.N
Nguyễn Thanh Nam (ghi)

Bình luận (0)