Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đừng nghĩ vào đại học chỉ để lấy bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hoàng Anh Tuấn, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Marketing Hà Nội. Ông đã từng “kinh qua” rất nhiều vị trí quan trọng liên quan đến marketing như Giám đốc phát triển thị trường cho Tập đoàn General Electric USA, Giám đốc Marketing Tập đoàn Microsoft Corporation, USA… Trong khoảng thời gian “cao điểm” của việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2011 đối với hàng trăm ngàn thí sinh trên cả nước, ông Tuấn đã chia sẻ những kinh nghiệm về ngành marketing cũng như cách chọn ngành học hiện nay…
PV: Từng bốn năm liền thủ khoa Khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng nghề nghiệp hiện nay của ông không liên quan đến tấm bằng này. Ông giải thích thế nào?
– Ông Hoàng Anh Tuấn: Tôi học sư phạm vật lý là theo ý nguyện của bố mẹ. Cũng may là bố mẹ tôi chỉ ép tôi học bằng sư phạm, sau đó thì không ép nữa. Ép nữa có khi tôi giờ ở đâu đó rồi. Học xong sư phạm, tôi xin học bổng sang Úc học lại bốn năm ĐH ngành kinh tế. Đây mới chính là con đường mơ ước của tôi.
Trong bài tham luận của mình, có vẻ như ông đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam không cao?
– Mình nghĩ là đánh giá quá cao thì đúng hơn. Giáo dục Việt Nam có những cái đáng trân trọng như giáo dục tinh thần yêu nước. Nhưng chúng ta đã cho con em mình nền giáo dục tốt nhất hay chưa, tôi nghĩ là chưa. Lửa của người thầy truyền cho sinh viên phải mạnh hơn. Tính thực học, tính ứng dụng trong giảng dạy phải cao hơn. Có những thầy cô dạy kế toán mà chưa bao giờ làm báo cáo thuế, thế thì họ dạy làm gì?
Ông đánh giá khá cao về tính ứng dụng trong quá trình giảng dạy?
– Điều này hoàn toàn đúng. Học sinh Việt Nam mình đa phần học tiếng Anh từ lớp 3, lớp 4 đến hết lớp 12 hoặc ĐH. Học đến 7-8 năm tiếng Anh mà vẫn không nói được? Vậy giáo viên dạy gì trong trường? Ngay tại các trường hàng đầu của Hà Nội chỉ phân nửa học sinh nói được tiếng Anh khi học đến lớp 12, nửa còn lại tại sao không nói được? Thế mà học sinh vẫn cứ lên lớp. Trong khi đó, ngày xưa các cụ học tiếng Nga, tiếng Pháp không có phương tiện hiện đại hỗ trợ như bây giờ lại có thể nói được làu làu…
Từng làm việc rất nhiều trong các doanh nghiệp nước ngoài về marketing. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người chuẩn bị học ngành này hoặc chuẩn bị ra trường như thế nào?
– Có 8 từ để làm marketing: “Trí tuệ, quan hệ, công nghệ, tiền tệ”. Làm marketing giỏi là gì? Là làm cho cái máy đếm tiền của doanh nghiệp kêu một cách liên tục và khác thường.
Mấy năm trở lại đây lượng thí sinh đăng ký vào kinh tế nhiều, ông có nghĩ rằng điều này sẽ mất cân đối?
– Tôi nghĩ thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu. Thiếu người giỏi, thừa người chưa đủ trình độ. Tôi thấy sinh viên ở các trường ngoài công lập ra trường rất nhiều. Hiện nay ở Việt Nam các trường mở ra nhiều ngành không phải đầu tư nhiều như chứng khoán, quản trị kinh doanh. Cứ những ngành dễ thì mở.
Vậy marketing của Việt Nam sẽ như thế nào trong tương lai?
– Vẫn rất cần những người có cái tâm với đất nước và giỏi. Nếu làm kinh doanh mà không có tâm thì họ sẽ giàu nhanh nhưng không giàu bền. Chúng ta vẫn còn thiếu. Tôi thấy công ty nào, doanh nghiệp nào, sàn bất động sản nào cũng cần marketing có bài bản nhưng không có.
Hiện nay, sinh viên ra trường thường loay hoay với định hướng nghề nghiệp của mình. Ông nghĩ sao?
– Nếu trước khi vào ĐH, sinh viên được tham dự vào những buổi tư vấn nghề nghiệp từ những năm lớp 10, 11, 12 thay vì những chuyến tham quan, nghỉ mát thì họ đã đủ chín chắn để theo học một ngành nghề nào đó. Họ sẽ hiểu được định hướng nghề nghiệp. Nhưng hình như các trường đang mải chạy theo các phong trào nọ kia mà quên mất điều này. Thầy không biết lo cho trò, phụ huynh không biết lo cho con thì khi vào trường ĐH, đặt đâu họ sẽ ngồi đấy. Vì bản ngã của người châu Á vốn thấp hơn châu Âu. Do vậy, nhiều người vào ĐH chỉ để lấy bằng. Tư tưởng này còn kéo dài đến cả những lớp thạc sĩ tôi dạy. Có lớp, tôi hỏi sinh viên thì đến 100% họ cho rằng học để lấy bằng. Nói là bằng tiếng Anh cho oai chứ thực ra đến lớp sinh viên lại yêu cầu thầy nói tiếng Việt. Không những thế, học hết văn bằng 1, không ưng ý, họ học tiếp văn bằng 2, bằng tại chức. Chúng ta có đến 50% dân số trẻ, nói không với nhiều thứ nhưng không quyết tâm được một số vấn đề cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)