Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đừng “nghịch” với việc đăng ký nguyện vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Tam Phú trao đổi với chuyên gia tại phần tư vấn riêng. Ảnh: D.Bình

Cuối tuần qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại hàng loạt trường THPT trên địa bàn TP.HCM: Nguyễn Huệ, Tam Phú, Lê Minh Xuân, Võ Trường Toản, Tân Túc, Phạm Văn Sáng…

Đề thi bám sát chương trình THPT

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) tại buổi tư vấn tổ chức ở Trường THPT Tam Phú. Ông Cường nói: “Đề thi THPT quốc gia năm nay bám sát chương trình THPT, cơ bản vẫn ở lớp 12 nhưng điều quan trọng là các em cần định hướng chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân”. Trong khi đó, ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) cho biết: “Thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy chế thi, đặc biệt là các trường xét học bạ để nếu có những ngành mình yêu thích thì nộp đơn xét tuyển trước. Với kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh được quyền xét tuyển vào ĐH như một bữa tiệc… buffet; khi có kết quả thi, các em có quyền lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển nhưng điều quan trọng là phải thông minh để lựa chọn tổ hợp môn nào là thế mạnh của mình để có kế hoạch ôn tập, chọn ngành, chọn trường phù hợp”.

Quả thật, việc nghiên cứu kỹ quy chế xét tuyển là điều rất cần thiết với thí sinh. Nếu như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chỉ có một phương án duy nhất là xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì Trường ĐH Luật TP.HCM vừa xét kết quả thi tốt nghiệp, vừa xét kết quả học bạ THPT lại vừa kiểm tra năng lực thí sinh. Hay Trường ĐH Hoa Sen lại có tới 5 cách xét tuyển… PGS.TS Bùi Xuân An (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ: “Năm 2016, trường chúng tôi có 5 cách xét tuyển, cụ thể: Xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét điểm học bạ THPT, vừa xét điểm thi THPT quốc gia và chứng chỉ Anh văn quốc tế…”.

Thận trọng khi làm hồ sơ xét tuyển

ThS. Nguyễn Anh Đức nhắn nhủ các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cần thận trọng khi làm hồ sơ xét tuyển. Ảnh: L.Vy

Trao đổi với học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.HCM), ThS. Nguyễn Anh Đức (Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), lưu ý các em đặc biệt quan tâm đến vấn đề nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Theo đó, ở nguyện vọng 1, thí sinh được đăng ký tối đa hai ngành thuộc 2 trường khác nhau bằng đường bưu điện hoặc trực tuyến. Ông Đức cho biết, dù hình thức đăng ký này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng các em cũng đừng nghĩ tới chuyện “nghịch dại”, đăng ký nhiều ngành cùng một lúc bằng hình thức trực tuyến vì khi thí sinh đăng ký ngành nào, hệ thống thông tin của Bộ GD-ĐT sẽ tự động cập nhật và khi các em đăng ký đủ hai ngành thì hệ thống sẽ tự động khóa lại. Nếu “nghịch dại”, các em có thể không đăng ký được vào ngành hoặc trường mình mong muốn. Riêng đối với việc nộp qua đường bưu điện, dù thí sinh có “gian lận” bằng cách nộp nhiều hồ sơ xét tuyển thì các trường ĐH cũng sẽ yêu cầu các em gửi phiếu báo điểm sau 3-5 ngày kể từ ngày trường thông báo thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển. Giấy báo điểm thì chỉ có 1, nên thí sinh chỉ có thể nộp vào một ngành của một trường duy nhất thôi.

Riêng với việc nộp hồ sơ vào các trường CĐ, ThS. Nguyễn Anh Đức cho biết: “Do năm nay Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn cho hệ CĐ nên các em hoàn toàn có thể vừa sử dụng kết quả học bạ để nộp vào trường CĐ, vừa sử dụng phiếu báo điểm để xét tuyển vào trường ĐH mà không lo vi phạm quy chế. Tuy nhiên, do sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển nên thời gian xét tuyển của các trường CĐ không giống nhau. Do đó các em cần theo dõi thông tin từ website của các trường để nắm rõ thời gian xét tuyển”.

D.Bình – L.Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)