Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đừng ngộ nhận khi lựa chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Cánh cửa ĐH vào có thể dễ nhưng ra thì lại rất khó. Nếu không có năng lực thì dù bằng cấp thế nào cũng chỉ là sự lừa dối tương lai của chính mình. Hãy học một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ, luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình, đừng ngộ nhận…

Chuyên gia trả lời những thắc mắc của học sinh

Đây là những lời khuyên thiết thực được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) vừa qua.

Môi trường học không quan trọng, quan trọng là thái độ

Đó là lời khẳng định của ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH KHTN TP.HCM) khi tư vấn lựa chọn trường cho học sinh sau kỳ thi THPT quốc gia 2018. ThS. Phùng Quán cho biết: “Hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn cho các em. Trong thời đại hội nhập, các em hãy lựa chọn một ngành mà làm được nhiều nghề hoặc tích hợp nhiều ngành để làm một nghề. Có như thế bản thân các em mới không bị tụt hậu trước những thay đổi liên tục của thế giới và tự tin hội nhập được”.

Trong lựa chọn ngành nghề, các chuyên gia chỉ ra rằng không nhất thiết phải vào ĐH. Ngay cả TCCN, CĐ, nếu phù hợp với năng lực của bản thân thì cũng sẽ có một tương lai tươi sáng. Điều quan trọng nhất chính là thái độ của người học.

Cũng theo ThS. Phùng Quán, môi trường học không phải là yếu tố tiên quyết quyết định thành công của các em, quan trọng là thái độ học tập, thái độ cầu tiến, hy sinh vì công việc. “Học ĐH, CĐ hay TCCN đều không nói được điều gì. Khi lựa chọn ngành nghề, các em hãy lựa chọn một môi trường phù hợp với bản thân mình. Mức học phí trong khả năng của gia đình mình, và một ngành học phù hợp với năng lực của mình”, ThS. Phùng Quán nhắn nhủ.

Lắng nghe bản thân để đừng ngồi nhầm chỗ

“Trong một bài test (kiểm tra) trắc nghiệm về mức độ phù hợp và hài lòng với ngành mình học cho sinh viên toàn trường thì có tới 80% sinh viên phát hiện ra rằng mình đang ngồi nhầm chỗ, rằng mình đã chọn sai ngành. Điều này thật sự rất tai hại, nó không chỉ làm mất thời gian tuổi trẻ của các em, mất đi những cơ hội cuộc đời mà còn gây tốn kém với gia đình. Vì vậy, chỉ khi nào các em đảm bảo rằng, mình hiểu về bản thân mình, hiểu về ngành mình chọn thì hãy quyết định”, ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ.

Tâm đắc với lời chia sẻ trên, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo – Khảo thí, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho rằng với mỗi ngành học luôn đòi hỏi những tố chất khác nhau. Đừng vì thấy ngành hay mà học. Bởi nó hay với người này nhưng chưa chắc đã hay với mình. “Ví dụ ngành quan hệ công chúng, các em phải năng động, hoạt ngôn, người mà trầm lặng quá đừng học. Ngành công nghệ thông tin thì yêu cầu tư duy logic cao, tính toán chính xác. Dốt toán mà theo học thì như “vịt nghe sấm”. Những nhóm ngành sức khỏe đào tạo bác sĩ, dược sĩ, “hot” thật đấy nhưng mà yếu tim, mà không có năng lực, không có sự hy sinh thì chẳng thể theo học được…”, ThS. Lê Dũng phân tích.

Bên cạnh đó, trước thắc mắc của nhiều học sinh về tố chất và tiềm năng nghề nghiệp của ngành cơ khí ô tô, cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng, các chuyên gia tư vấn khẳng định rằng, đây là những ngành chưa bao giờ hết “hot”. Tuy nhiên không phải ai cũng theo được ngành.

“Hiện nay và sau này, nhu cầu sử dụng ô tô trong nước sẽ rất lớn. Như thế, các công ty nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Cơ hội nghề nghiệp trong ngành cơ khí ô tô cũng được mở ra với vai trò kỹ sư chế tạo ô tô, vận hành bảo trì máy móc hoặc mở những showroom ô tô. Chính vì vậy, các em không chỉ phải nắm vững những chi tiết về ô tô, sử dụng thành thạo những phần mềm thiết kế ô tô trên máy vi tính mà còn phải có khả năng ngoại ngữ cao để giao tiếp và làm việc”, ThS. Dương Thanh Văn (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết.

Đối với ngành cơ điện tử, TS. Vũ Hồng Vận (Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM) khẳng định rằng, cơ hội nghề nghiệp rất lớn khi ngay từ năm thứ 3 ĐH, nhiều sinh viên trong ngành đã được các doanh nghiệp trải sẵn thảm đỏ để mời về làm việc. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Hồng Vận, cơ điện tử là một trong những ngành học độc hại nên sinh viên theo học được miễn 50% học phí.

Song song với đó, TS. Vũ Hồng Vận cũng chia sẻ về các yếu tố liên quan đến ngành kỹ thuật xây dựng. Theo ông, đây là ngành học tương đối vất vả vì thuộc ngành kỹ thuật ứng dụng. Bù lại, gần như không bao giờ thất nghiệp, đặc biệt khi người học có vốn ngoại ngữ tốt. Bởi ở đâu có giao thông, ở đó có cầu đường…

Ưu ái những hacker mũ trắng

Tưởng chừng khó hiểu nhưng thực chất, hacker mũ trắng chỉ là một thuật ngữ để chỉ ngành an toàn thông tin, trái ngược với hacker mũ đen. “Tìm hiểu lỗ hổng trên các trang mạng, bít những lỗ hổng đó. Đặc biệt khi các trang web bị hacker mũ đen đánh sập, phải làm sao để lấp những lỗ hổng đó một cách nhanh nhất có thể”, bà Nguyễn Thị Tố Loan (Phó phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) nhận định.

Hỏi – đáp tuyển sinh

Trước thắc mắc của nhiều học sinh về ngành công nghệ sau thu hoạch, một trong những ngành mới được đào tạo trong vài năm trở lại đây, TS. Bùi Văn Nam (phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Hùng Vương) cho biết đây là ngành học đang ngày càng phát triển, nhất là khi nền nông nghiệp đang hướng tới yếu tố hội nhập và nước ta là một nước chủ yếu về nông nghiệp. “Ngành này chuyên nghiên cứu tạo ra những chu trình chế biến và bảo quản sản phẩm của nông nghiệp như rau củ quả, thủy hải sản để làm tăng giá trị của sản phẩm. Đặc biệt là hướng tới yếu tố xuất nhập khẩu”, TS. Nam nói.

Theo TS. Nam, sau khi ra trường, người học sẽ trở thành những kỹ sư, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, cảng, cửa khẩu để kiểm tra, giám sát hàng hóa nông nghiệp.

Trần Yến (ghi)

Khẳng định đây là ngành quan trọng trong kỷ nguyên 4.0, ThS. Dương Duy Khải bổ sung rằng, chính vì độ “hot” của các ứng dụng về công nghệ thông tin nên rất nhiều học sinh ngộ nhận về ngành. Cứ nghĩ xài smartphone (điện thoại thông minh) thấy thích quá nên đòi học. “Hoàn toàn không đơn giản như vậy. Ngành học này có những đòi hỏi cực cao và nghiêm túc. Các em phải có đủ năng lực để đọc ra rằng, phần mềm đó được viết bằng ngôn ngữ nào”, ThS. Dương Duy Khải nói.

Theo ThS. Phùng Quán, từ nay đến 2020, mỗi năm Việt Nam thiếu hơn 8.000 nhân lực ngành an toàn thông tin. Tuy nhiên, để học được ngành và có khả năng theo nghề, bên cạnh tư duy cao, người học cần phải có tính kiên trì, nhẫn nại, không bỏ cuộc trước những app (phần mềm cài đặt) khó.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)