Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng nhầm lẫn khi chọn nghề, chọn trường

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Hồng Hà đăng ký tìm hiểu thông tin ngành nghề tại chương trình
Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THPT Hồng Hà (TP.HCM) với hàng trăm câu hỏi của học sinh xoáy vào các vấn đề “nóng” của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Phải chủ động tìm kiếm thông tin
Năm học này là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT gộp chung kỳ thi THPT với tuyển sinh ĐH, CĐ nên các em học sinh dành khá nhiều thời gian để chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc xung quanh vấn đề này. Em Phan Lê Nam (học lớp 12A2) đặt câu hỏi: “Em chưa rõ lắm về cách sử dụng các phiếu chứng nhận kết quả thi sau kỳ thi THPT quốc gia. Khi trúng tuyển vào một trường nào đó ở đợt tuyển sinh đầu tiên nhưng không ưng ý với kết quả đó, em có được dùng giấy chứng nhận nộp tiếp vào trường khác hay không?”. Trước câu hỏi khá thú vị của Lê Nam, ThS. Nguyễn Anh Đức (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) khẳng định: “Sau kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh thi theo cụm do các trường ĐH tổ chức sẽ được nhận 4 giấy chứng nhận kết quả thi, tương ứng với 4 đợt xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ở mỗi giấy chứng nhận, thí sinh chỉ được xét tuyển 1 đợt vào 1 trường nhưng được đăng ký 4 ngành thuộc nhiều khối thi khác nhau trong tờ đăng ký nguyện vọng vào trường. Các nguyện vọng trong tờ đăng ký này cũng sẽ tương ứng với các thứ tự ưu tiên. Khi trúng tuyển nguyện vọng 1, các nguyện vọng tiếp theo sẽ bị hủy; khi trúng tuyển vào 1 trường ở đợt xét tuyển này, hệ thống sẽ cập nhật thông tin và các giấy chứng nhận kết quả còn lại sẽ bị vô hiệu hóa. Vì thế, các em phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đặt bút đăng ký vào trường nào, ngành nào, không nên coi việc đăng ký nguyện vọng là một trò chơi để đánh mất cơ hội sau này”.
Bên cạnh đó ThS. Nguyễn Anh Đức cũng khuyên các em nên chủ động cập nhật thông tin để nắm rõ tình hình tuyển sinh của các trường. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau 19 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường ĐH, CĐ sẽ phải công bố số lượng hồ sơ trên website. Từ đó các em có thể căn cứ vào số lượng đăng ký và mức điểm mình đạt được để quyết định có rút hồ sơ để nộp ở nơi khác hay không. Ngoài ra, việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ cũng rất đa dạng: Xét tuyển chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển chỉ dựa vào học bạ, có trường vừa dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa căn cứ vào học bạ để xét tuyển; có trường lại lấy điểm sàn để sơ tuyển đầu vào, rồi kết hợp thêm một phần thi nữa mới xét tuyển thí sinh. Do đó, các em phải nghiên cứu thật kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình có ý định đăng ký thi để có sự lựa chọn phù hợp.
Chọn nghề, chọn trường: Đừng nhầm lẫn
“Việc các em học trường nào không quan trọng bằng việc các em đóng góp được gì cho xã hội. Vì thế, các em đừng ngại ngần khi đăng ký thi CĐ, đừng xấu hổ khi mình học TCCN. Có việc làm, có năng lực và đam mê, các em mới nhanh chóng thành công với con đường tương lai phía trước”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Gặp nhiều khó khăn khi chọn nghề phù hợp, em Vũ Thị Tú Vi (học lớp 12A4) chia sẻ: “Kết quả học tập các môn của em đều rất tốt. Trong đó, điểm các môn thuộc khối B có “nhỉnh” hơn với các môn khác nên em có ý định thi vào ngành công nghệ sinh học. Vậy, cơ hội trúng tuyển của em có cao không?”. Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam) cho rằng nhiều học sinh đang nhầm lẫn việc chọn nghề, chọn trường phù hợp nghĩa là quy chiếu đúng theo kết quả học tập. Cụ thể, khi thấy điểm học tập các môn khối B của mình cao thì đăng ký thi y dược, công nghệ sinh học; thấy học vài môn khối A tốt thì thi ĐH Bách khoa… “Cái đó chưa thật sự đúng đắn! Sự lựa chọn phù hợp là biết cân đối giữa năng lực, sở thích, năng khiếu cá nhân với điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Các em không thể cứ mất vài năm thi-đi-thi-lại vào trường y dược vì nghĩ mình học tốt các môn khối B, trong khi cha mẹ vẫn ngày đêm vất vả vì mình. Thay vào đó, các em phải tự thấy được khả năng đích thực của mình để xác định cho đúng. Cụ thể, các em nên bỏ thời gian tìm thông tin, nghiên cứu về nghề mình theo đuổi, sau đó hãy tính sẽ đăng ký trường nào, hệ nào là tốt nhất, khả năng đậu và việc làm ra sao… Đó mới là quy luật cần phải nhớ trước mùa tuyển sinh”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích.
Bên cạnh đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng nhìn nhận: Hầu như các học sinh hiện nay mới chỉ nhắm đích đến của mình là trường ĐH và bằng mọi giá phải thi đậu ĐH dẫn đến việc coi hệ CĐ, TCCN chỉ là chỗ “trú tạm lúc sa cơ”. Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, TP.HCM có chưa tới 10% học sinh đăng ký thi CĐ. Đây cũng một thực tế đáng buồn dẫn đến việc hàng loạt cử nhân ĐH thất nghiệp sau khi ra trường, trong khi các trường CĐ, TCCN vừa thiếu sinh viên, vừa thiếu nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng, cho nhu cầu xã hội. “Việc các em học trường nào không quan trọng bằng việc các em đóng góp được gì cho xã hội. Vì thế, các em đừng ngại ngần khi đăng ký thi CĐ, đừng xấu hổ khi mình học TCCN. Có việc làm, có năng lực và đam mê, các em mới nhanh chóng thành công với con đường tương lai phía trước”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ngành thư ký y khoa của Trường ĐH Hoa Sen đào tạo như thế nào? Thời gian học mấy năm?(Em Đặng Lê Khoa, học lớp 12A1 hỏi)
– ThS. Lê Hữu Đức (Trường ĐH Hoa Sen) trả lời: Chương trình đào tạo hệ kỹ thuật viên cao cấp ngành thư ký y khoa đào tạo thư ký, nhân viên hành chính có nền tảng kiến thức, kỹ năng về quản trị hành chính văn phòng và kiến thức y khoa căn bản để thực hiện các công việc thuộc nhiệm vụ của thư ký, trợ lý, nhân viên văn phòng tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế… Thời gian đào tạo 1,5 năm, gồm 3 học kỳ tại trường và 1 học kỳ thực tập tại các bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm y tế.
 
Ngành Việt Nam học học những gì? Cơ hội việc làm ra sao? (Em Phương Vy, lớp 12A4 hỏi)
– ThS. Dương Duy Hải (TrườngĐH Nguyễn Tất Thành) trả lời: Ngành Việt Nam học trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức thuộc các lĩnh vực về Việt Nam học như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, xã hội Việt Nam…, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam học, trở thành hướng dẫn viên cho ngành du lịch, làm việc trong cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
 
 

Bình luận (0)