Mỗi đứa trẻ có một đời sống tâm lý riêng, người lớn hãy luôn là điểm tựa để các em có thể phát huy được những điểm mạnh và khắc phục điểm còn hạn chế của bản thân.
Ảnh minh họa. Ảnh: IT |
Chị Hồng Thanh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ với chúng tôi về con gái lớn của chị (Bé Na Na 14 tuổi): “Tôi là giáo viên nên cứ nghĩ mình rất hiểu tâm lý của con nhưng tôi cảm thấy như bất lực trong việc dạy con gái mình. Cháu luôn ương bướng và tỏ ra như thách thức cha mẹ, trước đây cháu đâu có vậy, thời gian gần đây cháu lại càng tuỳ tiện, có xu hướng lập dị, muốn mình không giống ai”. Chị phân trần thêm: “Có lần tôi nói: Con làm như vậy sao được, làm gì mà chẳng giống ai. Nó liền cự cãi: Theo mẹ con làm không giống ai thì liệu con giống cái gì?… Càng ngày tôi có cảm giác càng xa con bé”.
Áp đặt của người lớn
Được trao đổi chân thành với bé Na Na, chúng tôi biết được con gái chị nhiều năm đạt học sinh giỏi, cháu thường bộc lộ cá tính. Ở lớp, cháu thường có sở thích hơi khác với các bạn cùng trang lứa như cháu thích dã ngoại, thích được kết bạn với anh chị lớp trên, cháu thường xuyên quan tâm đến những thần tượng trong bóng đá, cháu thích chơi các môn thể thao như bóng bàn, boxing… tất cả những điều này dường như là không phù hợp với cách mà bố mẹ đã dạy và mong muốn ở một đứa con gái. Vì vậy, những ý định của cha mẹ thường không được bé Na Na ủng hộ nhất là trong kế hoạch cho con đi học thêu thùa, may vá và nữ công gia chánh.
Không chỉ riêng trường hợp của bé Na Na, một số phụ huynh hiện nay luôn bắt con trẻ phải làm theo ý định cũng như sở thích của người lớn. Họ luôn cho rằng, mình được cái quyền quyết định sự lựa chọn của con trẻ. Điều này dẫn đến những hệ lụy là trẻ có thể trực tiếp phản ứng với người lớn hoặc nếu trẻ tuân thủ theo cha mẹ thì cũng là gượng ép, khó chịu, khi nào có điều kiện thì trẻ sẵn sàng giải phóng theo những sở thích của mình ấp ủ.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những đặc điểm tâm lý riêng, có những sở trường và năng khiếu riêng, sự trưởng thành của trẻ ngay chính gia đình của mình cũng có những sự khác biệt. Thậm chí anh em sinh đôi nhưng mỗi đứa mỗi tính là chuyện bình thường. Cùng với sự phát triển thì mỗi đứa trẻ có sự phát triển theo nhu cầu, hứng thú cũng như hình thành nên những đặc điểm khác biệt. Chẳng hạn, cha mẹ rất đam mê bóng đá và là cầu thủ bóng đá nhưng con cái lại hoàn toàn không thích môn thể thao này hoặc nhiều gia đình cha mẹ là giáo sư, bác sĩ nhưng con cái lại không thích theo nghề này.
Nếu cha mẹ càng áp đặt và không hiểu trẻ thì mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là điều thường xuyên xảy ra.
Tôn trọng sự khác biệt
Trước hết, cha mẹ phải xác định rõ là mỗi đứa trẻ là một nhân cách và không ai giống ai. Người lớn không được áp đặt mà chỉ là định hướng, uốn nắn, điều chỉnh sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ trên cơ sở những gì chúng có. Nếu người lớn ép buộc thì không mang lại điều gì tốt đẹp cho trẻ, thậm chí là phản giáo dục. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý 4 điểm sau đây:
1. Luôn tôn trọng trẻ. Ở mỗi độ tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng nên cha mẹ phải thực sự là người hiểu rõ con nhất. Hãy tìm hiểu xem, con bạn đang có nhu cầu gì, khuynh hướng, sở trường của con ra sao? Thậm chí những điều con làm mà hơi khác biệt đó có ảnh hưởng gì đến nhân cách của con hay không? Sự khác biệt của con nếu phát huy tốt lại trở thành nét tính cách độc đáo thì càng nên khuyến khích và cổ vũ. Chẳng hạn, con rất thích nhạc Bolero trong khi cha mẹ chỉ yêu thích nhạc đỏ thì họ phải giúp con có nhiều cơ hội để được thưởng thức cũng như phát huy sở thích của mình.
2. Con có thể khác biệt nhưng không lập dị: Hãy nói cho con biết rằng, khác biệt không có gì là xấu miễn sao sự khác biệt của con không phải là tính cách lập dị hay là những thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Nếu như sự khác biệt của con mà lại ảnh hưởng đến bản thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội thì phải phân tích để con hiểu rồi giúp con từ bỏ một cách tự giác. Đôi khi hiện nay, có những khác biệt cũng cần được tôn trọng song nó ít được số đông ủng hộ. Chẳng hạn, một đứa trẻ ở quê lại hay thích pha giọng của nhiều vùng miền, tuy nhiên sở thích này rất có ích khi trẻ có điều kiện trải nghiệm và thích ứng nhanh với các vùng quê khác nhau… Nhưng nếu trẻ thích để kiểu tóc, ăn mặc khác người, muốn xăm trổ các hình thù không giống ai, thì cha mẹ cần kiên trì giải thích cho con hiểu sự lập dị đó sẽ khiến cho mọi người e ngại và xa lánh. Điều đó không tốt cho sự trưởng thành của con. Nếu con còn thật sự mong muốn thì sau này lớn lên, khi con đủ tuổi chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động của bản thân – khi đó con sẽ tự quyết định những gì mình làm.
3. Đừng nói con lập dị mà hãy dạy con kỹ năng hòa nhập: Cha mẹ phải luôn đồng hành cùng trẻ để làm cho sự khác biệt đó trở thành nét tính cách độc đáo và có thể phát huy tốt trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp sau này. Đừng nói quá nhiều về điều khác biệt và xu hướng muốn lập dị của con, bởi có những đứa trẻ cá tính chỉ vì muốn “trêu ngươi” cha mẹ mà hành động theo những gì người lớn nói và dần dần thành thói quen xấu và không thay đổi được. Gia đình cần gần gũi chia sẻ với trẻ và tạo điều kiện cho con tham gia các mối quan hệ tích cực như những nhóm bạn học tập, nhóm bạn chơi thể thao, chơi những môn nhạc yêu thích… Càng gia tăng các quan hệ tốt đẹp, trẻ sẽ ảnh tốt từ bạn bè.
Mỗi đứa trẻ có một đời sống tâm lý riêng, người lớn hãy luôn là điểm tựa để các em có thể phát huy được những điểm mạnh và khắc phục điểm còn hạn chế của bản thân.
Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)