Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đừng nôn nóng nhồi nhét kiến thức cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cuối tháng 3, Bộ GD-ĐT đã công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, đầu tháng 4, tiếp tục công bố lịch thi cụ thể (từ ngày 2-6 đến 4-6-2009). Theo đó, ngoài 3 môn đã biết trước là ngữ văn, toán, ngoại ngữ thì 3 môn vật lý, địa lí và sinh học đã được Bộ GD-ĐT quyết định là môn thi chính thức (lịch sử là môn thay thế ngoại ngữ nếu thí sinh không học theo quy định ngoại ngữ ở bậc THPT). Tất cả học sinh cuối cấp và phụ huynh trên cả nước đều quan tâm đến môn thi, nên việc công bố sớm như hai năm nay sẽ có ảnh hưởng tốt đến tâm lí các bạn học sinh khối 12 và các thí sinh tự do khác. Nhà trường cũng sẽ có kế hoạch chuẩn bị ôn tập, trợ sức cho các em tốt hơn trong việc chuẩn bị kiến thức, kĩ năng cho kì thi quan trọng này. Bởi lẽ, từ nay đến ngày diễn ra kì thi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa. Hai tháng dù ngắn ngủi nhưng nếu biết sắp xếp thì từng ấy thời gian cũng đủ để mỗi thí sinh và nhà trường, phụ huynh hệ thống lại công việc đã chuẩn bị, để tăng tốc cho hành trình cuối cùng trong chặng đường 12 năm đèn sách của mỗi học sinh. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn và lịch thi, các trường khẩn trương triển khai thời khóa biểu mới, tăng cường việc ôn tập, tăng giờ kiểm tra đối với học sinh, có kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém cho từng bộ môn, phối hợp kịp thời với gia đình trong việc theo dõi sát sao giờ giấc, sinh hoạt, học hành của từng em một. Về phía gia đình, phụ huynh quan tâm kĩ lưỡng hơn đến con em, từ chuyện học hành, giờ giấc cho đến quan hệ bạn bè, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi sao cho hợp lí. Có phụ huynh dành hẳn thời gian của mình đưa đón con em đi học, quản lí nghiêm ngặt từng giờ từng phút. Có lẽ lo lắng nhất vẫn là mỗi bạn thí sinh. Nỗi băn khoăn, lo lắng vào giai đoạn “nước rút” hiển hiện trên gương mặt của mỗi em. Do vậy, hơn lúc nào hết, đây là thời gian mà thầy cô, các bậc cha mẹ cần cảm thông, chia sẻ và trợ sức, tư vấn cho các em một cách bài bản và đúng đắn, khoa học nhất. Mọi sự lo lắng là cần thiết song phải tạo tâm lí thoải mái, an tâm cho các em. Mọi sự nhồi nhét, căng thẳng, “chạy đua” đều có tác dụng không tốt cho các em. Sở dĩ nói điều này vì tôi được biết, có phụ huynh bắt con cái mình tối ngày ôm lấy tập sách mà học bù đầu, không có thời gian thư giãn với bạn bè, kể cả cấm luôn việc chơi thể thao. Cũng có nhà trường “giam” luôn học sinh không chỉ ban ngày mà cả đến ban đêm để truy bài. Có trường không cho khối 12 tham gia bất kì hoạt động tập thể nào, dù là văn nghệ hay thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh. Rồi chưa kể, lên lớp, nhiều thầy cô khảo bài rất gay gắt. Ai cũng muốn học trò tập trung thật nhiều môn của mình, khiến các em vô cùng căng thẳng mỗi giờ lên lớp học, tinh thần vui học không còn nữa. Như vậy, vô tình, cả nhà trường lẫn cha mẹ đã tạo áp lực căng thẳng cho các em. Như thế, liệu các em có đủ sức lực bước vào kì thi không? Thiết nghĩ, sự quan tâm là cần thiết, song cũng tạo điều kiện tối thiểu để các em vui học, kích thích sự đam mê học tập, giúp các em nhận ra việc học là cần thiết trong giai đoạn này chứ không phải gây áp lực nặng nề, đuối sức cho các em. Về phía mình, mỗi em học sinh cần phải tranh thủ thời gian cho hợp lí giữa học tập và giải trí, cần ưu tiên cho việc tập trung thi cử một cách khoa học. Giữ gìn sức khỏe để học và thi tốt là việc rất cần chú trọng lúc này.
Nhà giáo Thanh Liêm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)