Sự kiện giáo dụcTin tức

Đừng quá chú trọng vào tỷ lệ “chọi”

Tạp Chí Giáo Dục

TS không nên quá “áp lực” trước tỷ lệ “chọi” của các trường vì thực chất tỷ lệ này chỉ mang tính tương đối. Ảnh chụp TS dự thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2010. Ảnh: M.T
Thực chất, tỷ lệ “chọi” (TLC) chỉ mang tính tương đối, thí sinh (TS) không nên quá xem trọng hoặc lấy đó làm căn cứ để chọn thi vào bất kỳ một ngành nào.
Tham khảo là chính
Hiện nay, sau công tác bàn giao hồ sơ (HS), nhiều trường vui mừng khi thống kê được số lượng HS đăng ký tăng vọt. Ngược lại, nhiều TS đăng ký vào trường lại bắt đầu lo chuyện thi không đậu vì TLC cao. Đợt rồi, với 5 bộ HS, TS Võ Lê Đức Thịnh (TP.Quy Nhơn – Bình Định) đã đăng ký vào các ngành công nghệ sinh học và điện – điện tử của 3 trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Vì chưa chắc chắn, TS này cho biết cứ đăng ký để đó rồi lựa chọn sau. Đến nay, thông tin về TLC khiến Thịnh âu lo hơn, khả năng em sẽ không chọn thi vào ĐH Công nghiệp TP.HCM nữa vì qua theo dõi thấy lượng HS đăng ký vào trường năm nay tăng quá cao. Trong khi đó, dù không dẫn đầu lượng HS đăng ký dự thi nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm nay cũng là một trong những trường top giữa nhận được nhiều sự quan tâm của TS. Việc chọn được trường thi ngay tận thời điểm này không phải là vấn đề đơn giản đối với Thịnh. Thực tế, đây cũng là lo âu của rất nhiều TS tại mùa thi năm nay. Những em chỉ đăng ký 1 – 2 nguyện vọng thì lại càng “áp lực” vì đâu còn cơ hội để mà nộp thêm hoặc chuyển đổi nguyện vọng.
ThS. Huỳnh Tổ Hạp (Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn) nhấn mạnh, TLC chỉ mang tính tương đối, nó không phản ánh đúng thực tế. Bởi việc “chọi” với những TS giỏi sẽ khác hẳn với “chọi” những TS có học lực trung bình. Hằng năm có những trường tỷ lệ “chọi” ở mức rất thấp như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng cơ hội đậu vào rất khó bởi điểm trúng tuyển cao. Cũng theo ThS. Hạp, TS không nên quá chú trọng vào tỷ lệ “chọi” mà cần quan tâm đến điểm chuẩn của những ngành mình thi vào. Tại Trường ĐH Sài Gòn năm nay, tuy lượng HS đăng ký vào giảm (ít hơn khoảng 12.000 bộ) nhưng không có nghĩa điểm chuẩn của các ngành trong trường cũng giảm.
Cũng có nhiều căn cứ khác để xác định TLC, chẳng hạn ngành Sư phạm tin học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) năm nay lấy 100 chỉ tiêu, nếu số lượng HS đăng ký dự thi là 500. Như vậy, những TS đủ điểm lọt vào “top 100” để đậu được phải loại khoảng 400 TS còn lại, khi đó TLC là rất cao chứ không phải đơn thuần là 1 “chọi” 5.
Tỷ lệ “chọi” các trường phía Nam
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã nhận được hơn 14.000 HS đăng ký dự thi; TLC ngành cao nhất là 1/12. Theo đó, TLC cụ thể từng ngành: Toán – Tin học (1/1,97); Vật lý (1/2,7); Điện tử – Viễn thông (1/2,4); Nhóm ngành Công nghệ thông tin (1/2,7); Hóa học (1/3); Địa chất (1/1,8); Khoa học môi trường (1/11); Công nghệ môi trường (1/11,9); Khoa học vật liệu (1/5); Sinh học (1/3,3); Công nghệ sinh học (1/12).
Trường ĐH Y Dược TP.HCM có 26.712 HS đăng ký dự thi, tăng hơn 4.000 bộ so với năm 2010. Các ngành đào tạo ĐH gồm: Bác sĩ đa khoa (1/12,2); Bác sĩ răng hàm mặt (1/8,9); Dược sĩ đại học (1/21,6); Bác sĩ y học cổ truyền (1/11,5); Bác sĩ y học dự phòng (1/11,9). Các ngành đào tạo cử nhân (học 4 năm) gồm: Điều dưỡng (1/30); Y tế công cộng (1/11,4); Xét nghiệm (1/22,8); Vật lý trị liệu (1/17,6); Kỹ thuật hình ảnh (1/18,6); Kỹ thuật phục hình răng (1/19,2); Hộ sinh (1/11,2); Gây mê hồi sức (1/21,7).
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận được trên 11.800 HS đăng ký dự thi hệ ĐH. TLC từng ngành cụ thể gồm: Công nghệ thông tin (1/3,25); nhóm ngành Điện – Điện tử (1/2,65); Kỹ thuật dệt may (1/3,89); nhóm ngành Công nghệ hóa – Thực phẩm – Sinh học (1/3,02); nhóm ngành Xây dựng (1/3,29); Kỹ thuật địa chất – dầu khí (1/5,12); Quản lý công nghiệp (1/4,48); Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (1/2,15); Trắc địa (1/2,6); Vật liệu và cấu kiện xây dựng: (1/2,1); Kiến trúc (1/18,98)…
Khu vực phía Bắc: Khối y dược cao “ngất ngưởng”
Thắng đậm nhất trong các trường khu vực phía Bắc là ĐH Công nghiệp Hà Nội với 72.000 HS, tăng 19.000 bộ so với năm 2010. Trong khi đó, chỉ tiêu vào trường là 8.700. Như vậy TLC của trường năm nay là 1/8. Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng đào tạo ĐH Hà Nội cho biết có gần 12.000 HS đăng ký dự thi vào trường, trong đó khối D là hơn 9.000 HS, khối A là 2.000. Tổng số HS vào trường tăng gần 2.000 so với năm 2010. Như vậy, TLC của trường năm nay là 1/6. Nguyên nhân năm nay tăng theo ông Hạnh là do trường công bố sẽ tuyển sinh NV2 thay vì chỉ NV1 như năm 2010. Nhưng tỷ lệ chọi cao nhất có lẽ phải kể đến ĐH Y Hà Nội 1/18 (18.720 HS/1.000 CT). Không kém cạnh, ĐH Y Thái Bình cũng là 1/17, ĐH Y Hải Phòng: 1/15. Trong khối trường y, chỉ có ĐH Điều dưỡng Nam Định 1/8 và Trường ĐH Dược: 1/4,5 là có mức TLC tương đối thấp.
Kế sau các trường y dược phải kể đến TLC của các ngành kinh tế. ĐH Thương mại năm nay có 3.400 CT nhưng có tới 39.000 HS, đưa TLC của trường lên 1/11. ĐH Kinh tế quốc dân TLC cũng là 1/5. Học viện Ngân hàng: 1/6.
Đứng thấp nhất trong bảng TLC của các trường khu vực phía Bắc là khối kỹ thuật. Trong vòng một vài năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội không còn là sự lựa chọn của nhiều TS. Năm nay trường thu được 16.000 HS/5.800 CT, tương đương TLC 1/2,7. Học viện Bưu chính viễn thông cũng đứng ở mức cực thấp: 1/2.
Huê – Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)