Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng quá khắt khe với giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, truyền thông có đưa tin một nam sinh học lớp 9B Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị cô giáo bắt quỳ gối trong giờ học. Tiết học này do cô giáo Lê Thị Quy – giáo viên chủ nhiệm của lớp giảng dạy. Ngay sau đó, dư luận có hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh tán thành giáo viên xử lý kiểu này nhưng cũng không ít người cho rằng như thế là làm nhục học sinh. Theo cá nhân tôi, cũng là một phụ huynh, cần phải đánh giá đúng hình phạt này thông qua việc phân tích kỹ nhiều khía cạnh.

Như mọi người biết, học sinh thời nay không còn như trước, rất nhiều em ngoan ngoãn nhưng cũng không ít trẻ ngổ ngáo đến mức giáo viên chịu không nổi. Do ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa mạng (các phim bạo lực, các clip hướng dẫn chơi ma túy, chỉ đánh nhau, dạy bẻ khóa, nói tục chửi thề…), lối sống hiện đại mà nhiều em trở nên khó dạy. Nếu như học trò đánh hội đồng bạn, hẹn nhau ra ngoài thanh toán, đánh thầy, được xem là chuyện động trời (số hiếm) thì bây giờ nó trở nên bình thường đến mức cứ vài ngày là có một vụ. Mặt khác, do cuộc sống ngày nay no ấm đủ đầy, nhiều phụ huynh có xu hướng nuông chiều con ngay từ lúc tấm bé nên trẻ sinh hư. Vì vậy, việc giáo viên dạy cái chữ, đạo đức cho học sinh ngày càng khó nhọc hơn trước rất nhiều. Tại sao ngày trước chúng ta xem chuyện học sinh bị phạt đứng, quỳ trước hành lang (cầm quyển vở học bài đến khi nào thuộc mới thôi) là chuyện bình thường nhưng nay lại lên án kịch liệt?

Đồng ý rằng chúng ta đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990 (Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước), luật pháp cũng quy định quyền trẻ em tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 vào năm 2016 rất chặt chẽ. Tuy nhiên ở bất kỳ môi trường nào cũng có kỷ luật, bộ quy tắc ứng xử riêng. Môi trường giáo dục cũng không là trường hợp ngoại lệ. Cần phải bình tĩnh xác định rằng hành vi bắt học sinh quỳ gối không phải là làm nhục (trừ trường hợp đánh  học sinh hay xâm phạm thân thể) mà chỉ để cho học sinh ngoan hơn, sống theo khuôn phép, biết chăm học hành. Những thế hệ chúng tôi ngày trước, cả những phụ huynh có con rơi vào hoàn cảnh đó chắc cũng đã từng phải quỳ gối trước lớp một đôi lần. Vì vậy đừng quá nóng giận, khắt khe với giáo viên, mà phải bình tâm suy nghĩ việc đó không phải xuất phát từ lòng ghen ghét, hận thù mà giáo viên chỉ muốn tốt cho học trò của mình. Học trò hư thì giáo viên phải dạy, uốn nắn mới nên người. 

Để vấn đề này bị không bị hiểu sai lệch thì nhà trường nên soạn ra bộ quy tắc ứng xử riêng (phù hợp với đạo đức), cũng như những quy định chuẩn mực để lấy đó mà xử lý. Điều này cần được ban giám hiệu cũng như giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay từ đầu năm học để phụ huynh và học sinh nắm rõ. Giáo viên phải khéo léo trong cách xử lý, dù nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng phải nghiêm khắc. Cần giải thích cho học sinh hiểu, việc phạt quỳ không phải làm nhục mà chỉ để sửa đổi, cố gắng học tốt, sống tốt. Tuyệt đối không đánh học sinh, mắng nhiếc, kích động mà nên nhẹ nhàng để học sinh có thái độ ứng xử đúng đắn.

Nguyn Thanh Vũ
(Bình Tân, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)