Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Đừng “sốc” khi đi du học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lê Hạ (thứ hai từ phải qua) cùng bạn bè trong một lần tham gia sự kiện của trường

Chuyện du học đối với nhiều bạn trẻ bây giờ không còn là giấc mơ xa vời. Du học đồng nghĩa với việc khám phá thế giới, trải nghiệm một cuộc sống mới, nền giáo dục mới… Nhưng du học không chỉ toàn màu hồng. Những cơn sốc tâm lý, khoảng cách văn hóa, ngôn ngữ có thể “dìm” ý chí của bạn xuống. Thậm chí nếu không có sự phòng bị, nó còn có thể phá hủy cả những năm tháng sinh viên nơi xứ người.

Tuy nhiên, nếu vượt qua được, những tháng ngày du học sẽ khiến bạn trưởng thành hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Học cách hòa nhập cuộc sống mới

“Khi bạn đặt chân đến một đất nước khác, bạn phải hiểu được họ nói gì. Muốn vậy, bạn phải vững vàng về ngoại ngữ. Và trước khi muốn du học ở đất nước nào, bạn hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa, phong tục ở đất nước đó để tránh những cú sốc về tâm lý, khoảng cách. Đặc biệt, bạn đừng quá kỳ vọng vào mọi thứ bởi đất nước nào cũng có những mặt trái của nó”, Phạm Phương Dung, du học sinh Trường Cal Poly Pomona (Mỹ), chia sẻ.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Phương Dung đã phải bật khóc khi quá ngỡ ngàng về mọi thứ. Bạn nhớ lại: “Nước Mỹ không lung linh như mình vẫn tưởng. Đến tận bây giờ, dù đã có 3 năm học ở Mỹ, mình vẫn phải rất khó khăn để hòa nhập với người bản địa vì thực sự, ở đâu cũng vậy, họ sẽ có những cái nhìn thiếu thiện cảm về du học sinh. Sự khác nhau về văn hóa càng khiến bản thân mình muốn thu mình lại”.

Còn Lê Hạ, một tân du học sinh ở Anh, thì chia sẻ rằng, dù đã chuẩn bị rất kỹ với vốn tiếng Anh nhưng bạn cũng đã rất sốc khi phải học tập, giao tiếp hoàn toàn bằng thứ ngôn ngữ này. Những ngày mới sang đây, Lê Hạ nhớ nhà đến phát khóc, cứ nhìn thấy người ta đi có cha có mẹ là lại tủi thân, rồi những khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong việc học khiến nhiều lúc bạn chỉ muốn mua vé máy bay về ngay Việt Nam với cha mẹ. “Nhưng rồi mình cũng phải học cách đi xe buýt, học cách dậy thật sớm nấu cơm mang theo khi đi học để tiết kiệm tiền, học cách làm quen với thư viện 24/7 và coi nó như ngôi nhà thứ hai của mình, học cách chăm sóc mình khi sốt 39 độ mà vẫn phải lê lết trong mưa đến bến xe buýt, vẫn không dám ho khi nói chuyện với cha mẹ vì sợ cha mẹ lo…”, Lê Hạ trải lòng.

Nên đi làm thêm

Đó là lời khuyên của hầu hết các du học sinh. Làm thêm là cách để trưởng thành, giúp du học sinh không chỉ trang trải một phần cuộc sống mà còn lập trình được cuộc sống theo cách của riêng mình. Theo Dương Hồng Phúc, du học sinh ở Đức, thông thường du học sinh Việt Nam thường chọn những công việc như bồi bàn ở các quán ăn Á, các quán cà phê nhưng không phải ai cũng dễ dàng kiếm được. Hãy cố gắng tìm kiếm một công việc để mình vừa có thể giao tiếp, hòa nhập cuộc sống mà lại vừa có thêm thu nhập, không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học. “Mình đang làm thực tập sinh cho một công ty marketing bản địa. Thu nhập dù không hẳn nhiều nhưng cho mình nhiều trải nghiệm, những kinh nghiệm cho công việc sau này”, Hồng Phúc cho biết.

Dương Hồng Phúc, du học sinh ở Đức (bìa trái) cùng bạn bè trong trường

Còn Võ Hồ Hoàng, một du học sinh ở Singapore, lại chia sẻ kinh nghiệm rằng, đừng bao giờ chọn việc làm thêm “chui” vì như thế rất nguy hiểm. “Rất nhiều trường học tạo việc làm thêm hoặc giới thiệu việc làm thêm cho du học sinh. Nếu muốn, bạn hãy nộp đơn đăng ký và đừng kiên nhẫn ngồi đợi. Phải gặp trực tiếp quản lý, yêu cầu họ giúp đỡ. Người Singapore rất cầu tiến, chỉ cần thấy bạn cố gắng, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ. Vì thế đừng ngần ngại…”, Hồ Hoàng nói.

Trong khi đó, Lê Nga, một du học sinh tại Pháp, lại chọn công việc làm sự kiện cho các chương trình tiệc ở nước bạn như một cách để tiếp xúc, giao tiếp và học hỏi thêm văn hóa xứ người. “Nhiều bè bạn mình chọn việc đi làm thêm tại những cửa hàng có người Việt để dễ dàng hơn trong cuộc sống. Mình nghĩ đó cũng là một cách rất hay”, Lê Nga chia sẻ.

Đặc biệt, tại mỗi nước đều có cộng đồng du học sinh người Việt. Đây chính là nơi chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong học tập, trong giao tiếp. Từ đó giúp các du học sinh vượt qua rào cản bỡ ngỡ ban đầu, những cú sốc tâm lý để hòa nhập và trên hết là định hướng bản thân.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

As you found this post useful...

Follow us on social media!

Bình luận (0)