Thông thường, khi năm học sắp kết thúc, áo lớp (áo đồng phục lớp) trở thành một phần không thể thiếu trong giới học sinh, sinh viên. Để lưu dấu ấn kỷ niệm cũng như tạo nét đặc trưng riêng của lớp mình, ban cán sự lớp thường đến các điểm in áo hoặc lựa chọn trên mạng các kiểu áo với những slogan đầy sáng tạo, hài hước, thú vị kèm theo thông điệp động viên, thể hiện sự quyết tâm, tình bạn đoàn kết rất dễ thương, đậm chất học trò.
Được biết trào lưu viết slogan trên áo xuất hiện ở châu Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà hoạt động xã hội in lên áo những thông điệp mang tính thời sự như: “Heal the World” (phản đối chiến tranh), “Life is beautiful” (cuộc sống mến yêu)… Khi du nhập vào nước ta, áo slogan nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của giới trẻ. Chính điều này đã khiến nhiều lớp vì muốn thể hiện ấn tượng của mình đã có những câu slogan với câu từ không thể chấp nhận, mang nội dung phản cảm, trái ngược với tuổi học trò như: “Mất ngủ vì không có đối thủ”, “Thật là mệt mỏi vì lớp tớ quá giỏi”, “Hiền nhưng mà đụng tới thì hơi bị phiền”… Thậm chí bên cạnh những câu slogan gây sốc thì kèm theo đó là các hình ảnh hoặc những màu áo khiến người khác nhìn vào cảm thấy rất dễ sốc.
Việc in ấn áo lớp thường mang tính tự phát, âm thầm, giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường không thể biết được, đến khi các em mặc lên thì mới phát hiện. Chính vì điều này khiến cho giáo viên cũng như nhà trường không thể góp ý được gì, nếu phản cảm quá thì cấm mặc ở trường nhưng các em có thể đem ra khỏi cổng trường mặc để tham gia các hoạt động khác hoặc đi chơi, sinh hoạt lớp, chụp hình lưu niệm…
Áo lớp là kỷ vật, chứa đựng tình cảm bạn bè chân thành, là nét đẹp của tuổi học trò; tuy nhiên, một số lớp vì không tham khảo ý kiến của nhà trường, giáo viên đã tự ý bày vẽ ra đủ kiểu sáng tạo dẫn đến phản cảm, thiếu tôn trọng mọi người xung quanh. Trước thực trạng này, nên chăng các nhà trường cần định hướng, quán triệt học sinh trước để khỏi xảy ra tình trạng mọi việc đã rồi gây tốn kém kinh phí cũng như không mang lại những điều tốt đẹp từ thực trạng in áo đồng phục lớp hiện nay.
Văn Thi Hoàng (Quảng Nam)
Bình luận (0)