Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Đừng thờ ơ với nguy cơ bức xạ không an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi đã có Luật Năng lượng nguyên tử, sang năm 2010, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành các đợt thanh tra tại các nhà máy, xí nghiệp, tòa nhà, cao ốc, các cơ sở thu mua phế liệu… để kiểm soát vấn đề an toàn bức xạ ngay từ gốc.

Người dân có thể bị nguy hiểm nếu chụp X-quang quá cường độ, quá lâu hoặc bị nhầm lẫn khi chuẩn đoán bệnh qua X-quang. Ảnh: L.THÙY

Radon là loại khí có tính phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của uran. Các hạt nhân con của radon cũng có tính phóng xạ nên khi hít vào dễ gây ung thư phổi. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều nhà cao tầng được xây bằng bê tông cốt thép, bao kín bằng kính nên không khí tự nhiên không chuyển dịch được dễ dàng, vì thế, hiện nay nồng độ radon trong nhà ở tương đối cao.

Những ngôi nhà có nồng độ radon cao thường có kiểu kiến trúc không thông thoáng, trên nền địa chất có cường độ phóng xạ cao như nền đá magma, trên các đứt gãy địa chất, hoặc vật liệu xây dựng nhà như gạch, ngói đốt bằng những loại than có hoạt độ phóng xạ cao…

Tuy nhiên, để giảm nồng độ radon không khó, chỉ cần chọn kiểu nhà ở thông thoáng, thường xuyên mở cửa, quạt thông gió, hút bụi để tránh hiệu ứng “bẫy radon”…

Những năm gần đây, việc ứng dụng các thiết bị bức xạ và hạt nhân ở Việt Nam ngày càng nhiều, trong mọi lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, y tế và nghiên cứu… Bức xạ nhân tạo đầu tiên được phát hiện là tia X (1895), từ đó đến nay được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế: chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, xạ trị.

Còn trong công nghiệp, bức xạ được ứng dụng trong các máy kiểm tra mối hàn, kiểm tra mật độ dung dịch trong đường ống (phổ biến trong ngành dầu khí), thiết bị kiểm tra chiều dày giấy, thiết bị đo độ ẩm, thiết bị làm sạch không khí, đặc biệt là trong các nhà máy nhiệt điện hạt nhân…

Trong nông nghiệp, bức xạ được dùng để chiếu xạ triệt sản côn trùng, chiếu xạ diệt khuẩn thực phẩm thay cho hóa chất (chiếu xạ thanh long, bưởi… trước khi xuất khẩu), sản xuất phân vi sinh…

Chính vì thế, tại hội thảo về bức xạ hạt nhân vừa được tổ chức, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng bức xạ và hạt nhân đã được ứng dụng trong sản xuất, đời sống, mang lại hiệu quả cao, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, nhưng tất cả những điều này đã tăng bức xạ trong môi trường.

Trung bình mỗi năm, nước ta có hơn 24 triệu lượt người chụp X-quang, khoảng 22 triệu lượt người xạ trị… Các nhà khoa học đã cảnh báo, sử dụng bức xạ trong y tế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng thiết bị, người được chiếu xạ, người dân thụ động.

Việc lạm dụng chụp X-quang, sử dụng không đúng thiết bị; tổn thương do bức xạ gây ra; bệnh nhân bị điều trị quá liều; điều trị nhầm bệnh nhân đều gây hậu quả nghiêm trọng. Tương tự như y tế, việc sử dụng bức xạ trong công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ: vỡ, mất nguồn phóng xạ, khó quản lý chất thải phóng xạ…

Theo tiến sĩ Đặng Thanh Lương, những sự cố liên quan tới các nguồn phóng xạ thường xảy ra ở các cơ sở thu gom phế thải, chế biến kim loại. Ví dụ, ở Đài Loan (Trung Quốc), năm 1992, 103 tòa nhà với 1.206 căn hộ đã bị nhiễm bẩn phóng xạ do thanh sắt chịu dựng dùng để đổ cột, trần, sàn nhà nhiễm chất phóng xạ Cobalt-60, ảnh hưởng tới hơn 6.000 người dân, 103 tòa nhà bị bỏ hoang và đập bỏ, không thể tiếp tục sử dụng.

Nước ta cũng đã xảy ra nhiều vụ mất cắp nguồn phóng xạ: năm 2002 tại Nhà máy xi măng Việt Trung (Hà Nam), năm 2007 tìm thấy bình chứa nguồn phóng xạ tại bãi phế thải ở Hải Phòng… Những sự cố mất nguồn phóng xạ, ngoài việc gây thiệt hại to lớn về kinh tế trong việc tổ chức tìm kiếm, tẩy xạ môi trường, quan trọng hơn là ảnh hưởng tới tâm lý xã hội, gây hoảng loạn trong người dân…

Thế nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về kho lưu giữ, quản lý chất thải phóng xạ. Các nguồn phóng xạ hết hạn hầu hết đang lưu kho tại các cơ sở, các khu quản lý chất thải, phế thải hầu hết không trang bị thiết bị phát hiện phóng xạ, thiếu kiến thức phòng chống, sử dụng an toàn…

Tiến sĩ Lương cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm bức xạ và kiểm soát nguy cơ từ gốc, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm chứng bức xạ, hạt nhân, xây dựng văn hóa an toàn bức xạ, Bộ KH-CN cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận dạng nguồn phóng xạ; cách xử lý ban đầu; tập huấn cho cán bộ khoa học quận huyện, các cơ sở thu mua phế liệu, người dân thu gom rác, phế liệu…

Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở sử dụng nguồn bức xạ,2.700 máy X-quang, 1 lò phản ứng nghiên cứu với công suất 500kW, 9 thiết bị chiếu xạ, 24 khoa y học hạt nhân… TPHCM hiện có khoảng 97 cơ sở lưu trữ, sử dụng và làm dịch vụ nguồn phóng xạ, gồm: 83 cơ sở lưu giữ và sử dụng nguồn phóng xạ, 17 cơ sở X-quang công nghiệp, 13 cơ sở dịch vụ nguồn phóng xạ (với hơn 600 nguồn phóng xạ)…

Đến nay, Sở KH-CN TPHCM đã triển khai tập huấn cho 1.141/1.250 nhân viên bức xạ; cấp giấy phép sử dụng X-quang chẩn đoán y tế; cấp phép cho 279/307 cơ sở sử dụng bức xạ (đạt 91%) 540/587 máy X-quang; tổ chức khảo sát 53 cơ sở nguồn phóng xạ…

KIÊN GIANG (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)