Những ngày gần đây xuất hiện liên tiếp các ca trẻ em nhập viện do sử dụng một loại thuốc đông y có màu cam, quen gọi là thuốc cam dùng chữa bệnh viêm loét miệng và bước đầu được xác định là bị ngộ độc chì.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị ngộ độc chì. Ảnh: Th. Hà. |
14 ca nhập viện
Theo TS Vũ Văn Lợi, Trưởng phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), chưa bao giờ số lượng mẫu bệnh phẩm thuốc màu cam được các cơ sở điều trị gửi đến Viện Hóa học để xác định hàm lượng chì lại nhiều như bây giờ.
Chỉ tính riêng trong tháng 11-2011, có 15 mẫu bệnh phẩm được gửi đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả phân tích cho thấy có 14 trong số 15 mẫu bệnh phẩm thuốc màu cam được gửi đến có chứa hàm lượng chì từ 12,5- 22%.
Mười sáu mẫu máu của các bệnh nhân có sử dụng loại các thuốc cam trên cũng được gửi đến Viện Hóa học để phân tích. Kết quả, có 14 bệnh nhân bị nhiễm độc chì ở các mức độ khác nhau.
Theo TS Lợi, tất cả 14 trường hợp nhiễm độc chì kể trên đều là trẻ em: Nhỏ tuổi nhất mới 2,5 tháng tuổi (xem Tiền Phong số 309 ngày 5-11-2011 bài “Một bé trai hôn mê vì dùng thuốc nam”), lớn nhất là 12 tuổi. Các bé đến từ nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định. Bố mẹ của các bé, sau khi thấy con mình bị viêm loét miệng, đã mua loại thuốc màu cam nói trên để về điều trị. Kết quả là các cháu bị nhiễm độc chì ở các mức khác nhau.
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong tháng 11 trung tâm có tiếp nhận hai trường hợp trẻ em bị ngộ độc chì. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai bé đều bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam. TS Duệ cho hay việc ngộ độc chì do dùng loại thuốc này không phải là chuyên hiếm. Trước đây, trung tâm cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam, bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Buông xuôi với thuốc gia truyền không phép
Ngộ độc chì đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính. Khi chì đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên, khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, có thể gây mất trí nhớ, giảm sút trí tuệ, cơ bắp bị ảnh hưởng có thể dẫn đến bại liệt. Chì cũng ảnh hưởng hệ tạo máu gây thiếu máu, còn khi xâm nhập vào xương, nó khiến trẻ không phát triển được chiều cao… Ngoài ra còn ảnh hưởng nhiều cơ quan khác.
TS Duệ cảnh báo, khi trẻ em bị nhiễm độc chì với nồng độ cao thì dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng khiến ảnh hưởng sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.
Vẫn theo TS Duệ, trong điều kiện dịch chân tay miệng đang phát triển mạnh, không ít các bậc phụ huynh nhầm tưởng con mình bị mắc bệnh cam miệng và nguy cơ sử dụng loại thuốc này sẽ tăng lên. Ông đề nghị cần có sự vào cuộc sớm của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng sử dụng loại thuốc này.
TS.DS Phạm Văn Khiển, Tổng Biên tập Tạp chí Dược học (Bộ Y Tế), chì là một nguyên tố kim loại nặng, cực độc. Việc một số thuốc cam gần đây có chứa hàm lượng chì cao, TS Khiển cho rằng, có thể là do nguyên liệu chế biến có nhiễm chì. Tuy nhiên do đây là loại thuốc gia truyền, việc kiểm định các loại thuốc này gần như không thể. Đây cũng là loại thuốc không nằm trong danh mục các thuốc được Bộ Y tế cho phép.
Nguyễn Hoài
Hôm qua PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đêm 20-11 khoa vừa tiếp nhận hai bệnh nhi là chị em ruột ở huyện Hải Hậu (Nam Định) được chuyển từ Trung tâm Chống độc sang trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm độc chì.
Bé gái (11 tuổi) hiện rất nguy kịch, tổn thương não, thận, hệ tiết niệu, la hét liên tục, kích thích vật vã, vật lộn, đau bụng, tiểu tiện ra máu, phải cho uống thuốc an thần. Bé trai (9 tuổi) nồng độ chì trong máu cao hơn, chưa la hét, kích thích nhưng có biểu hiện đau đầu, đau bụng. Theo các bác sĩ đây là hai trường hợp ngộ độc chì cấp tính.
Được biết trước đó, thấy các con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, mẹ các bé đã mua thuốc bổ hình tròn, không rõ tên thuốc của một người bán dạo ở chợ gần nhà với giá 300.000 đồng về cho cả bốn mẹ con uống. Sau khi uống khoảng 10 ngày đứa con út bốn tuổi bị đau bụng và đau đầu.
Tiếp đó đến chị gái và anh trai có biểu hiện đau bụng, đau đầu. Gia đình đưa ba con đến Bệnh viện Nhi T.Ư khám. Bác sĩ nghi ngộ độc chì. Bé nhỏ tuổi nhất đã tử vong, hai trẻ lớn hơn được chuyển Bệnh viện Bạch Mai.
Thái Hà
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)