Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng tin vảy tê tê có thể chữa bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Hai vụ nhập lậu vảy tê tê với số lượng lớn vừa bị bắt. Trong đó có lô hàng xuất phát từ Nigeria qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi nhập về Việt Nam. Vảy tê tê được đồn đại là mặt hàng “độc” chữa nhiều loại bệnh, kể cả ung thư, hiện ở ta đang được các đầu nậu vô tư mua bán, trục lợi. Giá của vảy tê tê thường không dưới 15 triệu đồng/kg. Thực hư chuyện này như thế nào?

Tê tê còn được gọi là con trút, một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa, có tên khoa học là Manis pantadactyla L. Vảy tê tê có hình vỏ trai, cái này xếp chồng lên cái kia tạo thành lớp vỏ cứng che chở phần lưng từ mũi đến đuôi. Vảy được phơi khô có tên là xuyên sơn giáp, được dùng theo kinh nghiệm dân gian gọi là để… chữa bệnh (?!). Xuyên sơn giáp có nghĩa là vảy rất cứng như giáp của con vật đi xuyên núi (tê tê thường sống hoang dại ở miền núi). Một con chỉ cho vài trăm gam vảy.

Đừng tin vảy tê tê có thể chữa bệnh

Xuyên sơn giáp được cho là vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian, tức người dùng chẳng biết có tác dụng thật sự hay không mà cứ thế truyền miệng nhau. Trong tài liệu “Những bài thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội,1968) có nói theo “tài liệu cổ”, xuyên sơn giáp vị mặn, tính hơi hàn, có độc, vào 2 kinh can và vị, có tác dụng tán huyết thông lạc, tan ung nhọt, làm thuốc chữa đậu, trẩn, tắc tia sữa. Cũng theo tài liệu vừa kể, có một số đơn thuốc phối hợp xuyên sơn giáp và các vị thuốc đông y khác dùng chữa tắc tia sữa, tràng nhạc lở loét, chữa mụn nhọt. Cần thấy rằng trong đông y, “ung thư” không được ghi nhận như y học hiện đại mà nhiều khi được hiểu như bị “mụn nhọt, nhọt sưng cứng đau nhức”. Cho tới nay, y học chính thống không hề dùng vảy tê tê làm thuốc chữa bệnh, nói chi đến trị ung thư. Thử hỏi nếu bỏ ra tới 15 triệu đồng để mua 1 kg vảy tê tê để trị “tắc tia sữa, tràng nhạc lở loét, chữa mụn nhọt” gọi là có ghi theo “tài liệu cổ” thì có đáng hay không?

Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ cốt… vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó chỉ là thêu dệt, huyền thoại. Nếu chỉ dựa vào huyền thoại mà con người tìm cách tận diệt các loài thú hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng thì phải xem các hành động đó là tội ác cần trừng trị!

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (NLĐ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)