Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mùa tuyển sinh năm nay bị Bộ GD-ĐT cho dừng tuyển sinh 8 ngành học. Ảnh: V.Sơn |
Cuối tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký hai công văn dừng hàng loạt ngành học ĐH và CĐ của các trường ĐH.
Công tư đều “trảm”
Theo công văn được Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ngày 25-1, có 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo bị dừng tuyển sinh từ năm 2014 do không đáp ứng điều kiện giảng viên cơ hữu. Trong số này, có nhiều ngành thuộc các trường công lập. Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh có 16 ngành đào tạo nhưng bị dừng tới 14 ngành. Cụ thể, ngành sư phạm (SP) toán, SP tin học, SP hóa học, SP tiếng Anh, SP vật lý, giáo dục (GD) chính trị, GD mầm non, GD tiểu học, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, khoa học môi trường, ngôn ngữ Anh. ĐH SP Hà Nội bị dừng 8 ngành gồm GD công dân, sư phạm kỹ thuật, công nghệ thông tin, toán học, hóa học, sinh học, văn học, tâm lý học. Theo kết quả rà soát của Bộ GD-ĐT, thì 8 ngành này của ĐH SP Hà Nội không có ngành nào có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành đào tạo tham gia chủ trì chính của ngành đào tạo. ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội bị dừng đào tạo 14 ngành đào tạo là: Biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh – truyền hình, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, biên kịch điện ảnh – truyền hình, nhiếp ảnh, công nghệ điện ảnh – truyền hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu – điện ảnh, lý luận và phê bình điện ảnh – truyền hình, lý luận và phê bình sân khấu, quay phim, biên đạo múa, huấn luyện múa, lý luận, phê bình múa, diễn viên sân khấu kịch hát, đạo diễn sân khấu.
Các trường ngoài công lập cũng bị dừng tuyển sinh nhiều ngành. ĐH DL Phương Đông bị dừng 7 ngành, ĐH Đông Đô bị dừng 4 ngành…
Đối với hệ CĐ trong các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cũng quyết định dừng 296 ngành của 74 cơ sở đào tạo. Hệ CĐ của ĐH Tài nguyên và Môi trường bị dừng 8 ngành tuyển sinh, ĐH Tây Bắc bị dừng 10 ngành hệ CĐ.
Các trường đã có gần 3 năm chuẩn bị
Lý giải về các quyết định, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng quyết định tiến hành rà soát này Bộ GD-ĐT thực hiện từ tháng 3-2013 và ngày 25-1-2014, Bộ GD-ĐT ra quyết định. Trước đó, việc khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ ĐH, Bộ GD-ĐT thực hiện quy định trong thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT. Như vậy các trường có gần ba năm chuẩn bị bổ sung đội ngũ đảm bảo các yêu cầu theo quy định về mở ngành. Theo Thứ trưởng Ga, lần này bộ chỉ mới tạm dừng tuyển sinh các ngành thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong vòng 2 năm tới, bất cứ khi nào trường bổ sung đủ đội ngũ giảng viên theo qui định thì sẽ được phép tuyển sinh trở lại. Quá thời hạn trên, quyết định cho phép mở ngành sẽ bị thu hồi. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các trường cần xác định hoặc tuyển dụng đội ngũ bổ sung hoặc điều chuyển cán bộ sang các công tác khác. Đây thuộc quyền tự chủ quyết định của nhà trường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường thì quyết định này của Bộ GD-ĐT là hơi vội vàng, chưa tính đến tính đặc thù của một số ngành. Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết đối với ĐH Sân khấu Điện ảnh, 30 năm qua không có, và 3 năm nữa chắc chắn cũng không có tiến sĩ đạo diễn điện ảnh. Do đây là trường đặc thù. Vì vậy, trường sẽ trao đổi lại với Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến với Bộ GD-ĐT. Cũng liên quan đến vấn đề đội ngũ cơ hữu, ông Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết đối với ngành ngôn ngữ Bồ Đào Nha, ngôn ngữ Italia (2 ngành bị Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh), hiện nay cả nước chỉ có Trường ĐH Hà Nội đào tạo. Với 2 chuyên ngành này, tiến sĩ hầu như không có vì phía bên nước bạn chỉ đào tạo đến thạc sĩ, không đào tạo tiến sĩ. Hơn nữa, đây là ngành đào tạo đặc thù theo quan hệ ngoại giao. 10 năm qua, khi trường đào tạo ngành này đều được nước bạn tài trợ hoạt động và cấp học bổng.
Việc dừng tuyển sinh đối với các ngành học không đảm bảo đủ điều kiện là cần thiết và cần phải làm. Không thể để tình trạng “cơm chấm cơm” còn tồn tại trong các ngành học hiện nay. Tuy nhiên, xét cả lý và tình, thì có nhiều ngành đặc thù, Bộ GD-ĐT cần phải xem xét thấu đáo.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)