Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đừng “ủ” con quá kỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Để tự tin và thích ứng với cuộc sống, các em cần được trang bị các kỹ năng cần thiết

Hiện nay, không ít trẻ được sinh ra và lớn lên trong những gia đình có đầy đủ điều kiện vật chất, được nuông chiều, bao bọc quá kỹ. Chính điều này đã vô tình biến các em thành những “cậu ấm cô chiêu” thiếu kỹ năng sống, ỷ lại hoàn toàn vào gia đình.

“Ủ” con quá kỹ

Vốn là con trai độc nhất của một gia đình giàu có, Ngọc Cường (Q.3, TP.HCM) không phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Điểm đến cuối tuần của Cường thường là những trung tâm mua sắm nổi tiếng, những nhà hàng sang trọng. Ba mẹ bận rộn với công việc kinh doanh nên luôn muốn bù đắp cho em bằng những món quà đắt tiền nhưng đáng tiếc, sự bù đắp đó lại làm em ngày càng tỏ ra tự hào về sự giàu có của gia đình mình. Có gia sư chỉ mới dạy kèm một buổi cho Cường đã “bỏ chạy mất dép” vì sự chảnh chọe, vô lễ của Cường. Khi có ai sai những việc nhỏ, em thường thể hiện thái độ bực bội, giậm chân giậm cẳng không muốn làm. Khi phản đối một quyết định nào đó của gia đình, Cường bỏ vào phòng đóng sập cửa lại, chơi game, nhịn ăn cả ngày. Lúc đó, ba mẹ đành phải năn nỉ Cường.

Được ba mẹ chuyển vô TP.HCM để học tập, Phi Trâm hầu như không biết việc gì ngoài ăn, ngủ và học. Nhập học được 2 tuần, Trâm đã nằng nặc đòi gia đình cho em về quê lại. Lo lắng cho con, muốn con có điều kiện học tập tốt, ba mẹ em thuê hẳn một người giúp việc vào TP.HCM để làm “ô-sin” cho con gái mình. Từ bé, Trâm đã có người giúp việc làm hết mọi việc từ dọn cơm, rửa chén, dọn phòng nên bản thân em không thể tự làm những việc nhỏ nhất liên quan đến sinh hoạt cá nhân. Cùng lớp với Trâm cũng có một bạn đến từ miền Trung. Học được vài buổi, em đã điện thoại cho ba mẹ, nước mắt ngắn dài, nằng nặc đòi về quê vì lý do hết sức đơn giản là… nhà thuê mà em đang ở không có máy lạnh như nhà ở quê. Ba mẹ lo sốt vó nên tức tốc vào TP.HCM thuê người lắp máy lạnh cho con.

Nhiều đứa trẻ may mắn được sinh ra trong những gia đình giàu có nhưng các em lại thiếu sự quan tâm, dạy bảo đúng cách của ba mẹ. Mong muốn con trưởng thành, không thua kém bất kỳ bạn bè nào đồng trang lứa, nhiều phụ huynh hết lòng chăm lo cho con. Tuy nhiên, đôi khi sự nuông chiều, chăm sóc con quá mức, không tập cho con đi bằng chính đôi chân của mình nên nhiều đứa con không có khả năng tự lập, chỉ biết sống bám vào ba mẹ.

Lỗi tại ai?

Hiện tượng trẻ kiêu ngạo, tự xem mình là những “cậu ấm cô chiêu”, coi thường người khác vì nghĩ gia đình mình giàu sang, nhiều tiền rất phổ biến hiện nay. Chị Thanh Nga (Q.5) xót xa kể lại: “Khi con học lớp 11, tôi mới biết đến trường con mình không chơi với các bạn trong lớp. Tôi hỏi thì cháu trả lời rằng do các bạn không cùng “đẳng cấp” với mình. Khi phát hiện cháu hay tụ tập với đám bạn con nhà giàu, thường xuyên quậy phá, tôi mới giật mình. Vợ chồng tôi cứ lao vào kiếm tiền, cho con tiền thật nhiều vì nghĩ đó là cách tốt nhất dành cho con”.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thu Sang, “đây là hiện tượng thường thấy trong xã hội hiện nay. Chính các bậc phụ huynh không thể lường trước được rằng sự nuông chiều con quá mức là một trong những nguyên nhân chính tạo cho con cái tâm lý ỷ lại. Nhiều cha mẹ vô tình hay cố ý phô trương về hình thức nên đã cho con thấy sự giàu có của gia đình mình”.

Nhiều gia đình có cuộc sống vật chất đầy đủ và chỉ có một đến hai đứa con để chăm bẵm. Vì vậy, họ cưng nựng, chiều chuộng con cái là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là với quan niệm chiều con vô điều kiện, nhiều phụ huynh đã vô tình biến con cái của mình trở thành “gà công nghiệp”, chỉ biết chơi và học, không biết chăm lo cho bản thân, ích kỷ với những người xung quanh. “Cha mẹ cần rèn luyện cho con cái tính tự lập, không nên “ủ con quá kỹ”. Sự yêu thương cần phải được thể hiện bằng những khoảng thời gian cả gia đình quây quần bên nhau. Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình cảm gia đình, giúp trẻ học được cách yêu thương và chia sẻ. Thay vì dành cho con những món quà đắt tiền, các bậc phụ huynh hãy cùng con đọc một cuốn sách, xem một bộ phim… Hơn ai hết, trẻ rất cần sự quan tâm, chia sẻ và gần gũi từ ba mẹ”, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thu Sang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yên Hà

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thu Sang thì thay vì dành cho con những món quà đắt tiền, các bậc phụ huynh hãy cùng con đọc một cuốn sách, xem một bộ phim… Hơn ai hết, trẻ rất cần sự quan tâm, chia sẻ và gần gũi từ ba mẹ”.

 

Bình luận (0)