Các chuyên gia Anh đã chứng tỏ có thể tận dụng vi khuẩn không gây hại cho người để tiêu diệt các siêu khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa nhiều nước trên thế giới.
Mới đây, Hàn Quốc xác nhận đã xuất hiện gien mrc-1 trao năng lực kháng kháng sinh cho vi khuẩn. Nếu mọi chuyện không được kiểm soát, các siêu khuẩn kháng thuốc dự kiến sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, theo ước tính của chính phủ Anh. Và không may là hiện giờ giới y tế toàn cầu chưa tìm ra cách đối phó. Trong một diễn biến mới, các nhà nghiên cứu đã thử biện pháp lấy độc trị độc: dùng vi khuẩn tiêu diệt siêu khuẩn.
Vi khuẩn được sử dụng là Bdellovibrio bacteriovorus, cũng là dòng vi khuẩn ăn thịt, vì nó truy lùng và cắn nuốt đồng loại. Một đội ngũ chuyên gia của Đại học Hoàng đế London và Đại học Nottingham ở Anh đã quyết định mượn sức của vi khuẩn này để xử lý một dòng kháng kháng sinh ở người là Shigella flexneri, căn nguyên của tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn Shigella là hung thủ khiến 160 triệu người trên thế giới ngã bệnh mỗi năm (dưới dạng tiêu chảy), và hơn 1 triệu người thiệt mạng, đa phần là do ăn thực phẩm nhiễm khuẩn. Hiện không có vắc xin ngăn chặn nguy cơ nhiễm Shigella, và trong nhiều trường hợp, kháng sinh không có tác dụng. Đa số bệnh nhân được bác sĩ yêu cầu phải đợi cho đến khi bệnh tình đỡ hơn, trong vòng 5 – 7 ngày.
Khi các nhà nghiên cứu kết hợp hai dạng vi khuẩn trên trong phòng thí nghiệm, Bdellovibrio khiến cộng đồng Shigella sụt giảm gấp 4.000 lần. Kế đến, họ cho ấu trùng cá ngựa nhiễm Shigella, và tiêm thêm Bdellovibrio. Lập tức tỷ lệ sống sót của ấu trùng vào khoảng 60%, theo báo cáo trên chuyên san Cell Biology. Đối với nhóm không được trị bằng Bdellovibrio, chỉ 25% số mẫu kéo dài thời gian sống đến ngày thứ 3 kể từ khi nhiễm bệnh. Vi khuẩn Bdellovibrio đặc biệt hiệu quả vì chúng ăn vi khuẩn Shigella từ trong ra ngoài, ban đầu là tăng trưởng và phồng lên trước khi phá vỏ của ký chủ để chui ra ngoài. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm thấy chứng cứ về tác dụng phụ không mong muốn khi nhiễm ấu trùng cá ngựa với Bdellovibrio, và tình trạng tương tự có thể xảy ra đối với con người, theo Đài BBC News. Cuộc nghiên cứu trước đó phát hiện vi khuẩn Bdellovibrio xuất hiện tự nhiên trong người khỏe mạnh.
“Báo cáo này đã chứng tỏ sự độc nhất vô nhị và đầy ấn tượng của vi khuẩn Bdellovibrio, do nó đại diện cho năng lực phối hợp tự nhiên với hệ miễn dịch và bám trụ đủ lâu để tiêu diệt vi khuẩn mồi trước khi tự động phân hủy”, theo chuyên gia Serge Mostowy của Đại học Hoàng đế London. Trước kết quả đầy hứa hẹn trong cuộc thí nghiệm trên động vật, các chuyên gia cho rằng đây có thể là một phương pháp tiếp cận đầy tiềm năng trong bối cảnh vẫn chưa có cách điều trị siêu khuẩn kháng thuốc.
Tụ Yên (TNO)
Bình luận (0)