Học sinh một trường TC thực hành nghề sửa chữa ô tô. Ảnh: T.An
1.081.000 là số lượng mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cả nước tuyển sinh được trong 6 tháng đầu năm 2019 (đạt 48% kế hoạch năm). Con số trên vừa được Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin.
Những ai quan tâm đến GDNN sẽ thấy đây là con số khá đẹp, khẳng định sự nỗ lực của các trường nghề, các địa phương… Khách quan mà nói, những năm gần đây, tuyển sinh GDNN đã có nhiều khởi sắc. Chính sách đầu tư ưu tiên cho lĩnh vực này đã được Nhà nước quan tâm, cụ thể là Tổng cục GDNN đã khảo sát lựa chọn các trường đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế và trường chất lượng cao. Người học chủ động học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT… So sánh với các năm, tuyển sinh đạt gần 1,1 triệu người trong 6 tháng đầu năm 2019 là con số kỷ lục. Tuy nhiên, xét ở các trình độ thì “đáng lo hơn đáng mừng” bởi trong số gần 1,1 triệu người chỉ có khoảng 113.000 người ở trình độ CĐ và TC, số còn lại (969.000 người) ở trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.
Nhìn lại năm 2018, hệ thống GDNN trên cả nước tuyển sinh được 2.210.000 người (đạt 100,5% kế hoạch), trong đó trình độ CĐ và TC chỉ 545.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.665.000 người. Một địa phương lớn như TP.HCM, tính đến thời điểm này có 544 cơ sở GDNN, gồm: 52 trường CĐ; 64 trường TC; 81 trung tâm GDNN và 346 cơ sở đào tạo nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP tuyển được 299.561.000 người (đạt 64,97% kế hoạch năm), trong đó trình độ CĐ chỉ 841/45.000 người (đạt 1,87%); TC 3.174/36.000 người (đạt 8,82%); sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 295.501/380.000 lượt học viên (đạt 77,76%). Như vậy, tuyển sinh trình độ CĐ và TC luôn thấp hơn các trình độ khác. Như năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh GDNN tại TP.HCM là 461.000 người (CĐ: 45.000; TC: 36.000; sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 380.000). Tuy nhiên, thực tuyển trong năm là 482.699 người, trong đó CĐ: 46.782 người (đạt 103,96%); TC: 29.091 người (80,81%); sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng: 406.826 người (đạt 107,06%). Số liệu trên cho thấy tuyển sinh GDNN tại TP.HCM vượt chỉ tiêu so với năm trước, nhưng thực tế con số vượt lại nằm ở trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, trong khi đó trình độ CĐ vượt không đáng kể, đáng lo là trình độ TC chỉ đạt 80,81%.
Thời điểm này chưa phải cao điểm tuyển sinh GDNN nhưng với những số liệu trên cho thấy sự mất cân bằng trong trình độ, số người học nghề sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là chủ yếu. Ngược lại, trình độ TC-CĐ mà thị trường lao động đang cần lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chưa kể đây chỉ là số tuyển sinh được, còn số người học cho đến khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp thì hoàn toàn khác. Tổng cục GDNN đã và đang tổ chức các hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm, hoạt động gắn kết doanh nghiệp, việc làm bền vững năm 2019 để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đây là các giải pháp căn cơ tạo nền để bứt phá trong lĩnh vực GDNN và việc làm; tuy nhiên để hướng đến một thị trường lao động bền vững trong thời kỳ hội nhập thì phải xây dựng một “ngân hàng” nhân lực trình độ CĐ-TC có tay nghề và kỹ năng. Với một thị trường lao động hội nhập, năng động và cạnh tranh thì đội ngũ lao động trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng khó mà đáp ứng được.
Không thể mãi vỗ tay tán thưởng “năm nay tuyển sinh vượt so với năm trước”, chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng đào tạo và sự mất cân bằng tỷ lệ đào tạo giữa các trình độ. Nếu không nhìn lại và thay đổi tư duy quản lý và đào tạo, trong thời gian tới với dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng tăng, việc thiếu hụt nguồn lao động là điều khó tránh khỏi.
T.Tri
Bình luận (0)