Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng vội vàng lấy chứng chỉ IELTS

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, Hội đồng Anh (British Council – BC) và IDP có thông báo về việc hủy kết quả và cấm thi IELTS vĩnh viễn 3 thí sinh Việt Nam do bị nghi gian lận.

Sự việc được phát hiện do kết quả thi khác thường của 3 thí sinh trên: Reading đạt 8.5, trong khi các kỹ năng còn lại đều đạt 5.0 – mức điểm quá chênh lệch giữa các kỹ năng dẫn đến sự nghi ngờ của đơn vị giám sát. Sau vài lần test lại với kết quả phần Reading thấp hơn nhiều so với ban đầu, 3 thí sinh này bị nghi là có gian lận trong thi cử.

Mất cơ hội vì… học tủ

Trên thực tế, vấn đề gian lận trong các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC vẫn âm thầm diễn ra, dù với số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, việc đoán đề, học mẹo, học tủ trước các kỳ thi cũng được nhiều bạn sử dụng như một “cứu cánh” trước áp lực thời gian và yêu cầu về chứng chỉ để du học.

Được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh khi thi lấy chứng chỉ quốc tế

Bạn Đỗ Phương Thanh (ở TP.HCM, IELTS 8.2) nhìn nhận, rất nhiều bạn dù trình độ căn bản chưa vững nhưng vẫn chạy đua vào các khóa luyện thi IELTS với hi vọng đạt số điểm cần thiết bằng cách… học tủ. Tuy nhiên, việc đoán đề là chuyện rất khó, vì đề Writing hay Reading được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi (có hàng ngàn đề).

“Mặc dù có thể đoán chủ đề, nhưng trong 1 chủ đề thì có hàng trăm đề khác nhau. Nên nếu bạn nào tin vào việc học tủ thì khả năng bị… tủ “đè” là rất cao. Ngoài ra, việc học thi IELTS là để tăng khả năng ngôn ngữ, nhất là với những bạn muốn du học. Nếu các bạn muốn có điểm IELTS cao, nhưng khả năng thật sự không phải như vậy, thì người thiệt hại… chính là các bạn vì khi đến nước khác, các bạn sẽ không thể học tập được, không thể hiểu người ta nói gì và cũng không thể biểu đạt những gì mình muốn. Rốt cuộc kết quả học tập của các bạn sẽ rất kém. Và nếu các bạn bỏ tiền học tiếng Anh lại thì cực kỳ đắt đỏ, thường là 3.000 USD (khoảng 66 triệu đồng)/khóa – lãng phí công sức, tiền bạc và thời gian. Một hệ quả nữa mà không ai mong muốn đó là tên bạn sẽ nằm trong Blacklist (danh sách “đen”) và bị cấm thi vĩnh viễn trên toàn hệ thống như trường hợp nêu trên, con đường du học của các bạn coi như chấm hết”, Phương Thanh chia sẻ.

Lên kế hoạch cho hành trình dài

Cách học “tủ” cho kỳ thi IELTS rất khó đạt hiệu quả cao, thậm chí có thể khiến các bạn phải trả giá đắt vì bỏ phí cơ hội. ThS. Đỗ Thụy Minh Liên, giảng viên Trung tâm Ngoại ngữ và hợp tác quốc tế Trường ĐH Văn Lang, đánh giá: IELTS là kì thi đánh giá trình độ tiếng Anh quốc tế một cách tổng quát nhất và cần thí sinh có trình độ tiếng Anh đạt mức cao cấp (Upper-inter) để vận dụng ngữ pháp và vốn từ một cách hợp lý, linh động. Với những quốc gia không nói tiếng Anh như Việt Nam thì việc học và nói tiếng Anh thành thạo cần phải qua thời gian tích lũy, phải đi dần từ thấp tới cao chứ không thể rút ngắn thời gian theo kiểu “học chạy trước khi học bò”. Và để giảm bớt áp lực về thời gian, người học IELTS chỉ có cách chủ động lên kế hoạch cho hành trình này. Trong trường hợp thực sự cần gấp chứng chỉ IELTS, học viên phải chấp nhận tạm gác các công việc khác, thậm chí phải xin nghỉ việc một thời gian để tập trung cho việc học tiếng Anh. Còn nếu không quá gấp gáp, những học viên có xuất phát điểm chưa biết gì về tiếng Anh cần xác định một khoảng thời gian tương đối dài (1-2 năm) để bắt đầu, cảm nhận sự thú vị và ứng dụng tiếng Anh trong đời sống thực tiễn để có nền tảng vững chắc. Khi có đủ nền tảng ngôn ngữ, học viên sẽ bắt tay vào luyện thi IELTS.

Những học viên có xuất phát điểm chưa biết gì về tiếng Anh cần xác định một khoảng thời gian tương đối dài (1-2 năm) để bắt đầu, cảm nhận sự thú vị và ứng dụng tiếng Anh trong đời sống thực tiễn để có nền tảng vững chắc. Khi có đủ nền tảng ngôn ngữ, học viên sẽ bắt tay vào luyện thi IELTS.

“Cách học như vậy là hợp lý để học viên không bị quá tải và đạt mức điểm cao một cách tương đối nhẹ nhàng. Ngoài ra, với cách học này, các bạn sẽ biết được mình yếu ở phần nào, dạng câu hỏi nào, tiêu chí nào mình chưa đáp ứng tốt, từ đó có thể xây dựng kế hoạch học tập để tăng cường điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nhất là với kỹ năng nghe và nói. Khi học các kỹ năng này, học viên nên thoải mái, không ngại sai và tốt nhất nên học với giáo viên bản ngữ để đạt được hiệu quả cao nhất” ThS. Minh Liên khuyên.

Bài, ảnh: Linh Vy

Bình luận (0)