Dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn khi va chạm giao thông không phải là chuyện mới, tuy nhiên thời gian gần đây lại rộ lên với tính chất dã man và côn đồ khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng.
Một vụ tai nạn giao thông dẫn đến ẩu đả trên quốc lộ 20
Giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm”
Nổi cộm nhất gần đây là vụ va quẹt giao thông tại đường Bùi Ngọc Thu (KP.5, P.Tương Bình Hiệp, Dĩ An, Bình Dương). Khi đến đoạn đường nói trên, nam thanh niên điều khiển xe máy qua đường nhưng không quan sát khiến một nữ sinh chạy xe đạp điện chở theo bạn không xử lý kịp đã va quẹt mạnh vào xe anh ta. Vụ tai nạn cũng làm xe máy đi phía sau không xử lý kịp, té ngã bị thương.
Tai nạn xảy ra, nam thanh niên không giúp đỡ nạn nhân mà còn lộ rõ tính côn đồ, dùng chân đạp mạnh nhiều lần vào đầu, vào người nữ sinh. Đáng nói là anh ta còn dùng gậy giấu trong người để đánh nạn nhân nhưng người dân kịp can ngăn. Trước khi bỏ đi, anh ta còn có lời lẽ hăm dọa cả người dân.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhận tin báo của người dân, Công an P.Tương Bình Hiệp đã vào cuộc xác minh, người thanh niên gây tai nạn và có hành vi côn đồ nói trên là Lê Tấn Thành (29 tuổi), tạm trú tại địa phương. Hiện Thành đang bị tạm giam.
Vụ việc chưa lắng xuống, ngày 12-12, lại một nữ sinh 12 tuổi tên N. (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị đánh nhập viện khi điều khiển xe đạp va chạm với một phụ nữ đi xe máy.
Theo nội dung trình báo của người dân với cơ quan chức năng địa phương, sau khi va chạm, nữ sinh đã đỡ người phụ nữ dậy thì bị ông T.V.M, (chồng người phụ nữ) đến chửi bới, tát vào mặt. Chưa xong, ông M. còn đạp nữ sinh rớt xuống mương nước gần đó, lúc này người đi đường mới phát hiện và can ngăn. N. được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương nặng ở vùng đầu. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng địa phương đã mời ông M. và đại diện gia đình em N. làm việc. Cơ quan chức năng cho biết sẽ căn cứ vào kết quả giám định thương tích để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể truy cứu nhiều tội danh
Điểm lại một số vụ giải quyết mâu thuẫn sau va quẹt giao thông, dùng vũ lực để hành xử, nhiều ý kiến cho rằng kết quả sẽ không quá tệ nếu mỗi bên nhường nhịn một chút. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Nga (điều phối viên Quỹ UNICEF) nhận định, các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực thường xảy ra đối với người trẻ. Ở độ tuổi này, sự hiếu thắng, chứng tỏ mình… đã dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát. Đó là chưa kể khi trong người đã có rượu bia, chất kích thích… không làm chủ hành vi.
Cách đây chưa lâu, chỉ vì mâu thuẫn va chạm xe máy mà một thanh niên đã bị một nhóm người đánh và đâm tử vong.
Sự việc xảy ra trên đường Hương lộ 2 (Q.Bình Tân) vào đêm 13-10. Huỳnh Văn Sỹ (31 tuổi, ngụ Đồng Tháp) điều khiển xe máy đến trước số nhà 882 Hương lộ 2 thì va chạm với một xe máy khác. Sau khi va chạm, hai bên lời qua tiếng lại. Lúc này có một nhóm thanh niên đi xe máy đến, xông vào đánh anh Sỹ và một thanh niên đã dùng dao đâm trúng ngực trái anh Sỹ, khiến nạn nhân tử vong.
Luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi chửi bới, đánh đập nạn nhân tai nạn giao thông là không thể chấp nhận được. Hành vi đó thể hiện thói hung hăng côn đồ, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” tại Điều 143 BLHS.
Sau khi gây tai nạn, thay vì phải quan tâm đến nạn nhân, đằng này còn dùng hung khí hăm dọa, có lời lẽ xúc phạm đến người dân cũng có thể truy cứu tội “Gây rối trật tự công cộng” tại Điều 138 BLHS.
Riêng đối tượng Lê Tấn Thành, ngoài hai tội danh có thể truy cứu trên còn phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích khi có kết quả giám định của cơ quan chức năng, tùy theo tính chất, mức độ hậu quả mà Thành đã gây ra. Nếu tỷ lệ thương tích của nữ sinh này dưới 11% thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trường hợp nạn nhân bị chấn thương sọ não nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng còn chịu trách nhiệm về tội giết người theo Điều 123 BLHS.
A.Trần
Bình luận (0)