Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đứng vững nhờ nghề giáo

Tạp Chí Giáo Dục

“Cố gắng truyền đạt những gì mình biết để học sinh nên người. Đó là niềm vui, là động lực để tôi làm việc và phấn đấu” – cô Lê Ngọc Trường, giáo viên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), nói.

Mỗi tiết lên lớp với cô Trường là một niềm vui – Ảnh: M.Giảng

Năm 2008, cô Trường là nhà giáo duy nhất trên cả nước và là giáo viên đầu tiên của ĐBSCL được trao giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học VN.
Cạnh tranh để bài giảng chất lượng hơn
Mồ côi cha lúc 5 tuổi, cuộc sống của cả gia đình cô bé Trường phụ thuộc vào gánh hàng rong của mẹ. Hồi đó, ban ngày Trường phụ mẹ xẻ dưa hấu, bán thuốc lá ở đầu hẻm, ban đêm đặt tủ thuốc lá ở cột đèn đường vừa học bài vừa bán thuốc. Quen với cảnh buôn bán nhưng từ lớp 7 Trường thích nghề giáo. “Hình ảnh tận tụy, hết lòng vì học sinh của những thầy cô giáo dạy tôi đã hình thành trong tôi một ý nghĩa thiêng liêng về nghề giáo” – cô Trường tâm sự.
Năm 1978, Lê Ngọc Trường đăng ký dự thi vào ngành sư phạm toán Trường ĐH Cần Thơ. Lúc đó, câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn được truyền tai như một lời cảnh báo. Một người thầy nói: “Nghề giáo nghèo và khó lập gia đình”, Trường quả quyết: “Em thấy mình có năng khiếu, yêu môn toán, thích nghề dạy học nên em không ngại!”.
Ra trường, Trường về dạy ở Trường THPT Nguyễn Thông, nơi có rất nhiều học sinh yếu kém. Ngoài giờ chính khóa, những học sinh yếu được cô Trường phụ đạo thêm giờ. Dần dần không chỉ học sinh yếu mà học sinh khá, giỏi cũng đến nhờ cô phụ đạo. Gần 30 năm đứng lớp, triết lý cao quý của nghề giáo với cô Trường không chỉ là sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu hết mình vì học sinh mà còn có sự cạnh tranh để hoàn thiện chính mình.
“Chính sự cạnh tranh trong nghề đã giúp tôi đứng vững, giữ được những giá trị của nghề và của con người mình. Sự cạnh tranh trong nghề giáo không giống như những ngành nghề khác. Giáo viên nào cũng phấn đấu để học sinh mình có kết quả học tập tốt, vì thế phải luôn phấn đấu để những bài giảng của mình hay hơn, chất lượng hơn” – cô Trường khẳng định.
Niềm vui của nghề giáo
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Lê Ngọc Trường nói chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã theo nghề giáo, dẫu có lúc cuộc sống gia đình gặp khó khăn do lương nghề giáo còn khiêm tốn. “Đến bây giờ chưa bao giờ tôi thấy mình nản lòng với nghề dạy. Học sinh có lúc làm mình buồn nhưng niềm vui nhiều hơn. Vui khi thấy các em trưởng thành đỗ đạt, vui vì hằng ngày được thấy những gương mặt thân quen và vui vì được đứng trên bục giảng” – cô Trường chia sẻ. Niềm vui của cô còn nhân lên khi những ngày lễ, tết, học sinh nhiều thế hệ khác nhau về thăm.
Cô tự hào: “Làm nghề giáo, được học sinh nhớ và về thăm thì còn niềm vui nào bằng. Nhìn học sinh thành đạt mình cũng thấy hạnh phúc. Hạnh phúc hơn khi có những học sinh nghèo, cá biệt qua quá trình giáo dục của mình đã trưởng thành và nên người”.
Trống hết giờ vang lên, một số học sinh vẫn nán lại bên cô Trường hỏi thêm về bài vừa học. Khoảng cách cô – trò dần được thay thế bằng sự gần gũi và lắng nghe. Liên tục từ năm 1995 đến nay cô Trường là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, danh hiệu Viên phấn vàng 1999. Ngoài công tác giảng dạy, từ tháng 3-2005 đến nay cô còn kiêm thêm phần quản lý khi làm phó hiệu trưởng. Chính trên cương vị người quản lý cô mới thấy được những tồn tại trong chính đội ngũ giáo viên của mình. Đó chính là sự rập khuôn, bằng lòng với cái có sẵn, thiếu sáng tạo của một số giáo viên khi lên lớp.
Có những giáo án lặp lại theo một trình tự và nội dung nhất định, có những bài giảng vẫn chưa tạo hứng thú cho học sinh, một số thầy cô vẫn chưa thật sự gần gũi với học trò… Nhiều người vẫn than chương trình sách giáo khoa quá nặng, nhưng với cô nặng hay không còn tùy thuộc bản lĩnh của giáo viên. “Quan trọng là mình chọn lọc cái gì để dạy cho học sinh, không nhất thiết phải rập khuôn theo những điều sẵn có. Những bất cập của chương trình đều có thể giải quyết được nếu chúng ta nhiệt tâm đầu tư” – cô Trường chia sẻ.
MINH GIẢNG (TTO)

Bình luận (0)