Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng “xây” tính đố kỵ ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tính cách trẻ chịu sự ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên

Đố kỵ, ganh ghét có thể giết chết bản tính tốt đẹp, vị tha trong mỗi học sinh (HS). Một vài việc làm không đúng cách của giáo viên có thể hình thành nên tính đố kỵ, ganh ghét ở các em…
Ta chỉ vui khi chiến thắng?
“Đội chúng mình không được giải gì, cô trò mình nhanh nhanh chuẩn bị đồ đạc về đi các con”. Sau lời ra lệnh, các em HS quận A. đã cùng cô giáo nhanh chóng thu gom đồ đạc, chia tay “Ngày hội môi trường – Ngày sữa thế giới” khi thời gian tổng kết chưa kết thúc. Tương tự, giáo viên và HS các quận/huyện không đạt giải sáng tạo mô hình bằng vỏ hộp sữa, trang trí hộp sữa học đường cũng lần lượt chuẩn bị đồ đạc ra về, bỏ lại sau lưng các đội đạt giải và ban giám khảo. Có những em HS đứng ngần ngừ chưa muốn về, cũng có HS tỏ ra ủng hộ ý kiến của cô giáo. Em T., HS của quận A., bày tỏ cảm xúc: “Thấy các bạn đạt giải tỏ ra vui, hứng khởi con không hề thích thú. Con ghét các bạn. Vì điều ấy khiến cô giáo và nhiều bạn trong đội chúng con không vui. Nhất định ở những lần sau chúng con phải đạt giải, chứng tỏ cho thầy cô và các bạn là chúng con cũng giỏi, không thua kém gì các bạn ấy…”.
Cô Nguyễn Hoàng Thùy, giáo viên có HS đạt giải tại ngày hội, chia sẻ: “Nhìn quang cảnh các em HS quận/huyện khác ra về khi ngày hội chưa kết thúc tôi thật sự rất buồn. Cuộc thi nào bao giờ cũng có người thắng kẻ thua, thế nhưng điều đó không có nghĩa nếu thua thì phải về ngay và thắng thì mới ở lại. Những HS ra về, các em không ý thức được rằng, nếu sau này bản thân mình thắng cuộc nhưng bạn bè không ở lại chung vui thì sẽ ra sao. Một niềm vui không trọn vẹn. Chưa kể, các em ra về với tâm trạng tủi thân, cảm thấy buồn, bực tức vì đội khác giành mất niềm vui của mình. Cảm xúc này không tốt với một đứa trẻ”.
Có lẽ không riêng tại “Ngày hội môi trường – Ngày sữa thế giới”, trong những ngày hội hay các cuộc thi khác, hình ảnh đội thắng cuộc ở lại một mình đợi lĩnh giải thường xuyên xảy ra. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Tôi không đồng ý việc giáo viên dẫn HS ra về khi tập thể mình không đạt giải. Dù đạt hay không đạt giải cũng nên để các em tham dự hết cuộc thi, theo dõi buổi trao giải. Ra về trước có thể khiến các em tủi thân, nghĩ rằng mình là người thua cuộc, theo đó có thể lầm tưởng đội thắng cuộc không tốt, xấu xa… vô tình hình thành tính đố kỵ, ganh ghét ảnh hưởng không tốt đến nhân cách một đứa trẻ hiện tại và sau này”.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, ngày hội, ngày lễ hay những cuộc thi là điều kiện các em gặp gỡ, vui chơi, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm là chính… qua đó tăng cường tính đoàn kết, thương yêu hơn giữa các em. Chia sẻ niềm vui chung là hành động đầy ý nghĩa, các em hiểu rằng những người thắng cuộc hoàn toàn xứng đáng nhận lời chúc mừng, còn bản thân mình nên cố gắng hơn nữa.
Tránh hình thành tính đố kỵ nơi trẻ
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có tính ganh tỵ. Bước vào độ tuổi từ 5 đến 6, trẻ đã phân biệt được cái tôi, nhận biết được quyền sở hữu, muốn có những tài sản giá trị riêng cho bản thân. Việc nhận thấy người khác hơn mình điều gì đó có thể là động lực để trẻ phấn đấu cố gắng, song cũng có thể khiến trẻ suy nghĩ “đối phương” đánh giá thấp giá trị bản thân mình, cướp mất niềm vinh dự… từ đó cho rằng đối phương là kẻ đáng ghét, xấu xa và tìm cách hơn thua để thỏa mãn. “Đó là điều kiện hình thành, phát triển tính ganh ghét, đố kỵ trong một đứa trẻ”, thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết.
Theo thạc sĩ Hà, trẻ có tính ganh ghét, đố kỵ luôn cảm thấy bực bội, không vui khi nghĩ bạn bè hơn mình. Trẻ sẽ tiếp tục ganh tỵ trong suốt cuộc đời nếu có cảm giác không thỏa mãn. Tính cách này bộc lộ ra ngoài như không bao dung, ích kỷ với người xung quanh… Trở về với gia đình, người thân, trẻ còn tỏ thái độ không vui, khóc lóc hoặc quấy nhiễu, hung hăng, chống đối, nghịch ngợm hay làm những hành động để khiến người khác tức giận, gây mất tính đoàn kết. Chưa kể, đố kỵ, ganh ghét còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như đau bụng, nôn oẹ, bứt rứt trong người…”.
Để tránh hình thành tính đố kỵ nơi trẻ, thạc sĩ Hà chia sẻ: “Tính cách trẻ ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên, giáo viên cần hết sức tế nhị khi nói năng, cư xử, ra quyết định; giải quyết mọi việc nên thấu tình đạt lý, công bằng để các em hiểu. Giáo viên nên hướng các em đến những giá trị tốt đẹp, biết chia sẻ niềm vui chung, biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Hành động này thể hiện sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân. Theo đó giúp các em cởi mở tấm lòng, hiểu rằng bản thân cần cố gắng hơn thay vì ganh ghét, đố kỵ. Đây chính là những bài dạy tính vị tha, lòng bao dung, độ lượng – một nhân cách tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Tiếp cận với những giá trị đẹp ngay từ thời thơ ấu sẽ giúp trẻ có một cuộc sống hạnh phúc và phát triển nhân cách hoàn thiện hơn. Nếu không được rèn luyện, uốn nắn để nhận biết những giới hạn của bản thân thì trẻ có thể trở nên ích kỷ, đố kỵ”, thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)