Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng xem thường sữa thiếu i-ốt

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã yêu cầu thu hồi các sản phẩm sữa Wakodo và Morinaga dành cho trẻ em vì có hàm lượng i-ốt thấp hơn 1/3 so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đang lấy mẫu để kiểm tra
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – Bộ Y tế, cho biết 2 sản phẩm Wakodo (thực phẩm công thức) dành cho trẻ 0-12 tháng tuổi và sữa bột dinh dưỡng Morinaga dành cho trẻ 9-36 tháng tuổi hiện đang được lưu hành ở Việt Nam. Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, cuối tuần qua, Cục ATVSTP đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia lấy mẫu để kiểm tra.   
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hầu hết cửa hàng ở các phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Hà (quận Ba Đình) và một số siêu thị tại Hà Nội… đều bày bán sữa Wakodo và Morinaga. Bà Huyền, chủ một cửa hàng sữa ở phố Hàng Đường, cho biết 2 loại sữa này được khá nhiều bà mẹ lựa chọn.
Ngoài hàng nhập khẩu, các sản phẩm sữa “xách tay” của Nhật Bản cũng đang được mua bán rất sôi động trên thị trường. “Sữa Wakodo và Morinaga dành cho trẻ dù có giá khá đắt (530.000 đồng và 650.000 đồng/hộp 850 g) nhưng rất nhiều bà mẹ đặt hàng vì cho rằng tốt hơn nhiều loại sữa khác” – chị Quyên (ngụ quận Gia Lâm – Hà Nội), chuyên cung cấp sản phẩm sữa Nhật “xách tay”, nói.

Việt Nam đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm công thức dành cho trẻ em
Điều đáng lưu ý là khi được hỏi về việc các sản phẩm này đang bị yêu cầu thu hồi ở Hồng Kông vì thiếu i-ốt, chị Quyên cũng như nhiều bà mẹ có sử dụng sữa Wakodo và Morinaga cho rằng không quan trọng vì trong thực phẩm hằng ngày đã… dư thừa chất này.
Chất rất quan trọng với cơ thể
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Cấp đăng ký và chứng nhận – Cục ATVSTP, cho biết chưa có kết quả kiểm nghiệm thành phần i-ốt đối với 2 loại sữa Wakodo và Morinaga. Theo ông Dũng, i-ốt không phải là thành phần quan trọng và bắt buộc có trong sữa.
Bởi với bữa ăn hằng ngày, trẻ có thể được cung cấp i-ốt thông qua nhiều thực phẩm khác như: tảo biển, thịt động vật, cá biển, tôm, trứng, muối, nước chấm và một số loại rau. “Hơn nữa, Việt Nam đã có chương trình sử dụng muối i-ốt nên không quá lo ngại việc sữa thiếu chất này”- ông Dũng nhận định.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, i-ốt là một thành phần khá quan trọng trong sữa, nhất là với những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức nhưng lại chưa đến tuổi ăn dặm các thực phẩm bổ sung. “Dù i-ốt là thành phần không nhất thiết phải công bố nhưng khi lựa chọn sữa, người tiêu dùng cũng nên xem xét các chất cơ bản như: đạm, béo, canxi, sắt, i-ốt, vitamin…” – bà Lâm khuyến cáo. 
Một số chuyên gia dinh dưỡng cũng khẳng định i-ốt là chất rất quan trọng đối với cơ thể, thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển não bộ của trẻ.
Chưa có quy chuẩn i-ốt dành cho trẻ em
Cục ATVSTP cho biết hiện Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về việc bổ sung i-ốt vào các sản phẩm dành cho trẻ em. Tuy nhiên, cơ quan này đang nghiên cứu và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm công thức dành cho trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm) và điều kiện của Việt Nam.
“Mặc dù i-ốt là nguyên tố vi lượng có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm nhưng cũng nên bổ sung trong sữa công thức như một thành phần quan trọng” – PGS-TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục ATVSTP, nhìn nhận.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG (NLĐ)


 

Bình luận (0)