Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Được hỗ trợ vẫn không học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lớp học thực hành sửa điện thoại di động

Thanh niên vùng nông thôn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/năm, đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất được hỗ trợ 3 triệu/người/năm để học nghề, bộ đội xuất ngũ  được hỗ trợ học một nghề miễn phí.

Học nghề xong sẽ được giới thiệu việc hoặc tạo điều kiện vay vốn mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhưng một bộ phận thanh niên vẫn không chịu học nghề.
Không chịu học nghề
Thanh niên trên địa bàn quận 2 được chính quyền tạo mọi điều kiện để học nghề, giới thiệu việc làm và ưu tiên vào làm việc tại những DN trong quận. Ông Phạm Thế Hùng – phụ trách lao động – việc làm Phòng LĐTBXH quận 2 – cho biết, quận đã đầu tư gần 30 tỉ đồng xây dựng một trung tâm dạy nghề với nhiều ngành nghề như: May công nghiệp, điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, tiện, phay, bào, sửa chữa ôtô…, nhưng không thu hút được thanh niên vào học.
Nguyễn Thanh Hùng – nhà ở P.Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 – chê bai: "Muốn sống được với nghề chí ít cũng cần đầu tư thời gian 2 năm, ra trường đi làm lương công nhân có cao thì cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trong khi mỗi tháng hiện nay mẹ em đã cho em gấp đôi số tiền đó rồi". Nhà ông Nguyễn Văn Hai – KP3, Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, quận 2  – có hai người con trai và một cô con gái đều đến tuổi trưởng thành, nhưng vẫn lông bông sống bám vào cha mẹ. Ông Hai nói, đã khuyên hai con trai đi học nghề sửa chữa xe máy hay ôtô, nhưng cả hai con trai ông nhất quyết không đi học, còn cô con gái đi học cắt may thời trang được gần nửa tháng là bỏ ngang.
Anh Nguyễn Thanh Bình – P.Thạnh Mỹ Lợi – trăn trở: "Quá trình đô thị hóa nhanh, một bộ phận thanh niên chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý và nghề nghiệp để có thể hòa nhập với cuộc sống đô thị. Nguy cơ thất nghiệp là không tránh khỏi".
Chưa có ý thức về nghề nghiệp
Không chịu đi học nghề một phần do trình độ văn hóa còn thấp, phần khác do chưa có ý thức về nghề nghiệp. Theo ông Đặng Bốn – Trưởng phòng Quan hệ DN – đào tạo Trung tâm Dạy nghề quận 2, năm trước trung tâm có tổ chức cho hơn 100 thanh niên trên địa bàn quận học nghề để đưa vào làm việc tại Khu công nghệ cao quận 9. Miễn hoàn toàn tiền học phí, có xe đưa rước tận nơi, học xong làm việc liền. Nhưng học chưa được một tháng không em nào chịu đi học tiếp.
Ông Đặng Văn Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận 9 –  cho biết: Trung tâm đã hết sức cố gắng vận động, tuyên truyền xuống tận từng hộ gia đình, nhưng số thanh niên theo học nghề vẫn còn hạn chế. Ngay cả khi trung tâm mở những lớp dạy nghề lưu động tại các phường cũng ít người chịu theo học. Năm 2008 trung tâm đào tạo được hơn 5.000 lượt học viên, nhưng chỉ có khoảng 40% là con em địa phương, do một bộ phận phụ huynh vẫn muốn con em mình có tấm bằng CĐ, ĐH, còn học nghề chỉ là tình huống cuối cùng. Trong khi đó, các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên còn đơn điệu về hình thức và nội dung.
Không chịu bó tay trước tình trạng phòng học vắng học viên, thanh niên thì thất nghiệp, nhiều trung tâm dạy nghề ở ngoại thành đã phối hợp với chính quyền địa phương phát tờ rơi tư vấn và hướng nghiệp tới các gia đình có con em đang ở độ tuổi đi học. Ngoài ra, một số trung tâm còn tận dụng hệ thống truyền thanh của các khu phố để quảng bá về việc học nghề và dạy nghề cho thanh niên.

Theo laodong

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)