Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dược liệu Việt: Tiềm năng nhiều, hiệu quả thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Với hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc chữa bệnh; người dân trồng rồi thì không biết bán cho ai, trong khi các công ty dược mỗi năm phải nhập tới vài chục tấn dược liệu… Những bất cập này đã được nêu ra tại “Hội nghị trực tuyến về phát triển dược liệu Việt Nam” diễn ra ngày 12-4. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham quan quầy dược liệu của Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM. Ảnh: D.Bình

Chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu

Theo đánh giá của các chuyên gia thì Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, tính đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng 18.000 tấn/năm, như diếp cá, cẩu tích, lạc tiên… Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng…

Điều đáng mừng là nhu cầu sử dụng dược liệu của người dân ngày càng cao. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về thiên nhiên”, việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng do ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn so với thuốc hóa dược. Nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60.000 đến 80.000 tấn/năm, trong đó phần lớn là sử dụng trong sản xuất thuốc đông y, tân dược từ nguồn gốc dược liệu, thực phẩm chức năng. Tính đến tháng 12-2016 cả nước có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, trong đó có khoảng 131 cơ sở sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, dược liệu trong nước chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, 75% còn lại là nhập khẩu.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân khiến tiềm năng dược liệu nước ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại thấp là do các quy trình nuôi trồng và thu hái chưa được thực hiện đồng bộ, manh mún. Việc xuất khẩu dược liệu chủ yếu là nguyên liệu thô, giá trị thấp… Đặc biệt là thiếu liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng sản xuất dược liệu với nhu cầu nên có trường hợp dược liệu đột biến tăng giá gấp vài chục lần mà sản xuất ít, có trường hợp dược liệu ế ẩm…

Đại diện tỉnh Lào Cai – nơi có nhiều loại dược liệu –  chia sẻ, cây dược liệu được địa phương quan tâm phát triển. Tuy nhiên diện tích còn hạn chế, sơ chế – chế biến còn nhiều khó khăn…

Nói về quỹ đất phát triển dược liệu, đại diện Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam đưa ra nghịch lý: “Địa phương quan tâm dành quỹ đất để phát triển dược liệu nhưng cơ chế quản lý đất đai hiện nay là giao đất giao rừng cho người dân nên hầu hết doanh nghiệp trồng dược liệu khó tiếp cận với người có ruộng đất, ngược lại người có ruộng đất muốn trồng dược liệu lại không biết trồng cái gì, trồng bao nhiêu, bán cho ai”.

Để khắc phục những hạn chế về nuôi trồng và sản xuất dược liệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò dược liệu trong phạm vi quốc gia và từng địa phương cũng như từng ngành, đặc biệt là y tế để chú trọng đầu tư phát triển. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu   thị trường, trước hết là trong nước, hướng tới xuất khẩu. Tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó có sản xuất chế biến, sử dụng, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại…”.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì kết hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ và các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển dược liệu Việt Nam, trong đó chú trọng việc bảo tồn và phát triển dược liệu quý hiếm. Đối với các địa phương phải thu hút các nhà máy chế biến sản xuất vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn…

Dương Bình

Bình luận (0)