Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Được – mất bỏ thi Cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm bài thi môn Vật lý tại Hội đồng thi trường CĐ Công nghiệp In năm 2008. (Ảnh: Nguyễn Hùng).

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, vấn đề các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh mà sử dụng kết quả thi ĐH bằng đề thi chung của Bộ để xét tuyển đã được đưa ra thảo luận cách đây vài năm. Nhưng vào thời điểm đó chưa chín muồi nên Bộ quyết định chưa thực hiện. Khi mà phương thức tuyển sinh “ba chung”, trong đó có việc sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển, đã rất ổn định nên vào thời điểm này đặt ra vấn đề vấn đề bỏ kì thi CĐ là hợp lý, khả thi, đã có đủ điều kiện để thực hiện.

Theo thống kê, kỳ thi tuyển sinh năm 2008, tuy các trường CĐ có đợt thi riêng nhưng đã có hơn 100 trường không tổ chức thi, sử dụng kết quả thi theo đề chung của bộ để xét tuyển. Chính vì vậy việc bỏ kì thi CĐ sẽ tránh hồ sơ ảo và giảm chi phí, tốn kém cho gia đình và xã hội, phân luồng thí sinh. Ưu điểm là vậy nhưng trên thực tế khi bỏ kì thi CĐ sẽ phát sinh không ít vấn đề.

Gánh nặng đặt lên vai các trường ĐH

Theo nguyên lý thì tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh sẽ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh muốn được theo học các trường CĐ bắt buộc phải tham dự kì thi ĐH.

Như vậy, các trường ĐH bắt buộc phải tiếp nhận thêm một lượng thí sinh dự thi “nhờ” khá lớn so với các mùa tuyển sinh trước đây.

Tuy nhiên, khi bỏ kì thi CĐ thì cơ hội của thí sinh sẽ “hẹp đi”. Sở dĩ nói vậy vì khi chúng ta tổ chức cả kì thi ĐH và CĐ thì ngoài các nguyện vọng của kì thi ĐH, thí sinh có ít nhất thêm một cơ hội ở kì thi CĐ. Nếu tiếp tục áp dụng “3 chung” ở kì thi CĐ như năm 2008 thì thí sinh sẽ có thêm tối đa 3 cơ hội.

Chính vì vậy sức ép thi cử sẽ gia tăng dành cho những thí sinh có học lực trung bình.

Hơn thế nữa, Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích thí sinh cần phải biết lựa sức mình. Nếu sức học không tốt thì nên hướng vào các trường CĐ, TCNN. Tuy nhiên, giờ đây nếu khái niệm bỏ thi CĐ thành hiện thực thì tâm trạng của thí sinh luôn rơi vào trạng thái là dự thi ĐH.

Khi mà áp lực đặt lên vai thí sinh thì chắc chắn số lượng hồ sơ ảo sẽ tăng lên một cách đột biến. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn gánh nặng sẽ đặt lên vai các trường ĐH có tổ chức thi.

Rào cản điểm sàn sẽ làm nhiều trường “khóc”?

Cũng theo Thứ trưởng Long, nếu bỏ kì thi CĐ thì đề thi ĐH sẽ không có sự điều chỉnh nào lớn. Đề thi của hai đợt thi tuyển sinh ĐH sẽ vẫn ra theo định hướng như mọi năm. Để phù hợp với yêu cầu xét tuyển của các trường CĐ sẽ chủ yếu phụ thuộc mức điểm sàn đối với hệ CĐ.

Căn cứ trên mặt bằng kết quả thi cụ thể của thí sinh, nhất là số thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ và chỉ tiêu tuyển mới của hệ CĐ, Bộ sẽ xác định điểm sàn phù hợp, thấp hơn của ĐH mức độ hợp lý.

Như vậy, yếu tố đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc thực hiện xét tuyển bằng kết quả thi ĐH của các trường CĐ sẽ là điểm sàn chứ không phải đề thi.

Về mặt lý thuyết thì đề thi tuyển sinh ĐH vẫn có thể đảm bảo các nguyên tắc: nằm trong chương trình phổ thông, có sự phân hóa cao như mọi năm thỏa mãn được đồng thời yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH và các trường CĐ.

Tuy nhiên, thực tế ở kì thi tuyển sinh năm 2008 nhiều trường CĐ đã phải “toát mồ hôi” với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra cho dù điểm sàn của kì thi CĐ riêng và điểm sàn CĐ của kì thi ĐH là bằng nhau.

Không những thế một số trường vẫn tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển điều này đồng nghĩa với việc nguồn tuyển phong phú hơn (nguồn tuyển từ kết quả thì thì ĐH và nguồn tuyển từ kì thi CĐ) nhưng cũng đã phải cầu cứu Bộ GD-ĐT bằng cách xin áp dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh song vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Như vậy, nếu bỏ thi CĐ thì điểm sàn CĐ như thế nào sẽ là bài toán khó cần Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu kỹ càng. Nếu áp dụng theo nguyên tắc xác định điểm sàn như các năm trước đây đó là dùng dữ liệu tuyển sinh của các trường sau đó thống kê mặt bằng điểm thi so với tổng chỉ tiêu rồi đưa ra mức điểm sàn ở từng khối thi thì chắc chắn nhiều trường CĐ sẽ rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Nên để các trường CĐ tự quyết

Năm 2008, nhiều trường CĐ quyết định không thi tuyển mà chỉ xét tuyển nhưng cũng có không ít trường vẫn tổ chức thi cho dù phải “bù lỗ” nặng.

Sở dĩ càng trường quyết tâm như vậy vì muốn nâng cao chất lượng đầu vào hệ CĐ và quan trọng hơn là trường sẽ tuyển được những thí sinh có nguyện vọng học chính thức vào trường.

Một lãnh đạo của trường CĐ ở Hà Nội đã từng chia sẻ: “Một khi các thí sinh đã đầu đơn nộp hồ sơ vào trường thì đồng nghĩa với việc các em tâm nguyện học đến cùng. Còn nếu xét tuyển thì tình trạng sinh viên “trú chân” để năm sau thi lại ĐH là điều dễ xảy ra. Như vậy, chúng ta tiết kiệm được chi phí đầu vào những lại lãng phí về công tác đào tạo”.

Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự quyết định “số phận” của mình chứ không nên quá dập khuôn cứng nhắc. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần phải nghiên cứu kỹ càng sau đó hãy công bố rộng rãi vì thực tế mùa tuyển sinh năm 2008 hàng loạt chủ trương được Bộ GD-ĐT đưa ra đã phải “đổi chiều” vào phút chót gây tâm lý hoang mang không cần thiết đối với thí sinh.

Nguyễn Hùng (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)