Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Được mùa, ai mừng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá "thu mua" hiện nay chỉ giúp nông dân có lời 400 – 500đ/kg. Mức “lời” như thế khó đảm bảo đời sống cho nông dân, chưa nói tới những rủi ro mưa úng, lụt bão.


Ảnh minh họa

Năm 2010, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có chiều hướng thuận lợi. Theo con số Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ tháng 8/2010, giá gạo xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh, đến nay giá gạo của Việt Nam đã ngang bằng với giá gạo của Thái Lan, xấp xỉ 475 USD/tấn gạo 5% tấm. Đến ngày 15/9, cả nước đã xuất được 5,05 triệu tấn gạo, đạt trị giá FOB trên 2,1 tỷ USD.

Lượng gạo đã ký hợp đồng giao trong thời gian tới là 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, có một thực tế đang được dư luận quan tâm là giá lúa thu mua của người nông dân vẫn ngày càng rẻ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu lời lớn, trong khi người nông dân vẫn bị thất thu, mặc dù lúa được mùa.
Kể từ cuối tháng Bảy, giá gạo nội địa bắt đầu tăng mạnh, một phần do việc triển khai chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã phát huy hiệu quả, một phần do yếu tố tâm lý trước hiện tượng xuất khẩu gạo qua đường biên mậu tăng mạnh. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng trung bình 50 USD/tấn trong vài tuần qua.
Tuy nhiên, tính theo chủ quan, hè thu là vụ thường có giá thấp, do đó nhiều nông dân không hề trữ lúa mà bán cho kịp vụ đông xuân tới. Thực tế cho thấy, hơn 80% nông dân làm lúa hè thu đã bán với giá huề vốn hoặc lời rất ít.
Việc tăng giá đột biến trên thị trường lúa gạo trên thế giới là một cơ hội cho nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, kho chứa của quốc gia hiện nay chỉ có thể chứa khoảng 3,2 triệu tấn.
Trong khi đó, theo VFA, đến nay Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 6,6 triệu tấn lúa, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế đang tăng mạnh. Gạo Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đối tác truyền thống như: Malaysia, Indonesia, Cuba, Iraq và nhiều năm gián đoạn đã có mặt đáng kể tại thị trường Bangladesh.
Thế nhưng, nếu tình hình có sự biến động, thì Việt Nam khó có nguồn lúa gạo dự trữ để xuất khẩu. Như vậy, thật đáng tiếc khi giá tăng mạnh nhưng vẫn không có lợi nhiều cho cả nông dân.
Đáng tiếc hơn, các số liệu thống kê của VFA cũng cho thấy, cùng với kỷ lục về khối lượng xuất khẩu đó, chỉ với 371,7 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở mức thấp kỷ lục trong vòng hai năm rưỡi trở lại đây với mức giá 371,9 USD/tấn vào tháng 9/2009.
Trong khi đó, giá gạo thế giới đã qua hai tháng nhích lên và tăng mạnh. Điều đó cho thấy, trong suốt ba tháng qua, gạo Việt Nam vẫn chưa kịp thích ứng với những biến động của thị trường gạo thế giới, mà thực tế vẫn diễn ra ngay tại nước láng giềng Thái Lan.
Chính phủ đã có quyết định giao cho VFA phải tiêu thụ hết sản lượng gạo tồn kho để chuẩn bị bình ổn giá cho vụ mùa tới, đồng thời được linh hoạt về giá cả theo giá thị trường. Nhưng vấn đề hiện nay là phải giữ cho được giá mua lúa cho nông dân từ nay cho đến vụ đông xuân 2010 – 2011, đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân đồng thời chủ động can thiệp bình ổn thị trường khi có sự biến động.
Có thể nói Thủ tướng có chủ trương rất đúng đắn là yêu cầu phải thu mua dự trữ 1 triệu tấn gạo cho đồng bằng sông Cửu Long, không được để nông dân thua thiệt và phải đảm bảo nông dân phải lãi ít nhất 30% sau vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, bộ Công Thương lại chỉ đạo giá gạo cho VFA thu mua. Giá "thu mua" chỉ giúp nông dân có lời 400 – 500đ/kg. Mức “lời” như thế khó đảm bảo đời sống cho nông dân, chưa nói tới những rủi ro mưa úng, lụt bão.
Bà con nông dân sau khi thu hoạch xong phải trả nợ ngân hàng, trả nợ chi phí các khoản, trong khi đầu vụ doanh nghiệp chưa thu mua. Giá xuống quá thấp, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng kế hoạch tạm trữ, sau khi tạm trữ xong hết thì giá gạo lên mà bà con nông dân thì không còn gạo.
Cuối cùng phần lợi các doanh nghiệp nắm hết. Khôn nhà dại chợ, ở thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam không có đủ kho để trữ gạo dài ngày nên phải ký hợp đồng xong mới đi mua gạo. Vì vậy, khi giá thế giới tăng thì doanh nghiệp Việt Nam “phải nhường” cuộc chơi về giá cho Thái Lan là chuyện khó tránh.
Thủ tướng cũng có chủ trương rất hợp lý là cho nông dân được vay tín chấp 50 triệu đồng. Nhưng đi thực tế mới thấy đồng vốn đến được tay người nông dân rất khó vay. Mặc dù vậy cũng phải thông cảm với các ngân hàng khi họ không thể phiêu lưu với những người nông dân không có tài sản gì đáng kể ngoài mảnh ruộng và sức lao động.
Bấy nhiêu bất cập trong khi hạt gạo hiện nay có tới 4, 5 cơ quan quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ động mùa vụ; Bộ Công Thương quản lý giá cả, xuất khẩu; Bộ Kế hoạch Đầu tư điều tiết thị trường; Hội Nông dân đại diện cho quyền lợi nông dân.
Nhiều bộ nhiều ngành quản lý nhưng tình trạng “được mùa mất giá” đến nay vẫn thường là mối lo thường trực của người nông dân. Vấn đề này cho thấy việc quản lý thị trường gạo đang thực sự “có vấn đề”.
NGỌC LOAN / DNSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)