Trong những ngày qua, không chỉ thuốc ngoại mà thuốc nội cũng lần lượt được các cửa hàng, đại lý nâng giá bán lẻ từ 5%-20%
Tại một số nhà thuốc trên phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) ngày 20-2, nhiều nhân viên bán thuốc cho biết thuốc đang tăng giá trở lại.
Nhiều loại thuốc nội và ngoại nhập đã tăng giá trong những ngày qua. Ảnh: TẤN THẠNH
Tăng giá theo… USD
Chị Thu Hà, nhân viên hiệu thuốc M.T trên phố Hai Bà Trưng, cho biết đợt tăng giá thuốc cuối năm tạm lắng chưa lâu thì cách đây vài ngày, họ lại nhận được thông báo điều chỉnh nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Pháp, Hungary… của các công ty nhập khẩu, phân phối dược phẩm. Ngoài ra, nhiều hãng dược trong và ngoài nước cũng thông báo sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng biệt dược, kháng sinh, giảm đau và một số loại vitamin.
Chẳng hạn, Medocalm (trị xương khớp, giảm đau), Methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch), Estrogen (điều trị nội tiết), Arcalion, Cavinton, Duxil (thuốc tuần hoàn não), Digoxin, Ednyt (trị huyết áp, tim mạch), Trivastel (thuốc thần kinh)…. đều đã được thông báo điều chỉnh tăng giá 5%- 20%. “Bản thân những loại thuốc này giá đã rất cao, có những loại thuốc giá bán từ 500.000 – 700.000 đồng/hộp vì thế khi giá được điều chỉnh từ 10%-20%, người bệnh phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho một đợt điều trị”- chị Hà phân tích.
Chị Minh Phương, chủ một hiệu thuốc trên phố Nguyễn Tam Trinh (quận Hoàng Mai), cho biết thêm gần đây, nhiều mặt hàng thuốc nội cũng chạy đua tăng giá. “Có những loại thuốc gần đây tôi nhập vào giá còn cao hơn mức giá mà hiện tại cửa hàng đang bán. Khi thắc mắc, tôi cũng chỉ được giải thích là do khan hàng, rồi giá USD tăng, vàng tăng… Chẳng hạn như bổ phế trước đây bán chỉ 12.000 đồng/lọ nhưng mới đây giá nhập vào đã vọt lên 14.000 đồng/lọ, thuốc ho Bảo Thanh cũng tăng thêm 3.000 đồng/hộp, Voltaren 75 mg tăng từ 68.000 đồng lên 80.000 đồng/hộp, Neotergynan từ 98.000 đồng lên 115.000 đồng/hộp, thuốc chống dị ứng Hydrocortison cũng tăng từ 25.000 đồng lên 28.000 đồng/lọ. Ngoài ra, một số mặt hàng kháng sinh nội, vitamin cũng đồng loạt tăng giá khoảng 5%-15%”- chị Phương phàn nàn.
Bất hợp lý
Một chuyên gia dược phẩm cho rằng lấy lý do điều chỉnh tỉ giá để biện minh cho việc giá thuốc tăng đồng loạt là vô lý bởi mới đây, việc điều chỉnh tỉ giá mới được thực hiện, trong khi thuốc đã rục rịch tăng giá từ nhiều ngày trước đó. Nếu căn cứ vào kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam thì tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng được điều chỉnh tăng giá. “Hơn nữa, tỉ giá USD/VNĐ chỉ tăng hơn 1.000 đồng, tính trên giá thành của hàng triệu viên thuốc là không đáng kể”- chuyên gia này phân tích.
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh dược phẩm, chị Nguyễn Thanh Vân, ở phố Lý Nam Đế, nhận định: “Mặc dù được xếp vào danh mục hàng hóa đặc biệt nhưng tốc độ tăng giá của mặt hàng dược phẩm cũng chẳng kém các mặt hàng tiêu dùng khác. Tới đây, có thể thuốc sẽ còn tiếp tục tăng giá. Việc tăng giá đón đầu, “té nước theo mưa” cũng là điều khó tránh khỏi”.
TPHCM: Nhiều loại tăng giá 10%
Tại TPHCM, giá thuốc bán lẻ đã liên tục tăng trong mấy ngày qua. Ghi nhận của chúng tôi những ngày cuối tuần tại một số nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), chợ dược phẩm đường Tô Hiến Thành (quận 10)…, cho thấy nhiều loại thuốc đã tăng giá. Các loại thuốc điều trị huyết áp như Furosemid tăng 10%, Nifedipine hay Amlor mỗi loại tăng từ 5.000-10.000 đồng/hộp, Exfort (của Pháp) tăng từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng/hộp; nhiều mặt hàng thuốc kháng sinh cũng tăng giá với mức tăng trung bình 10%… Theo các cơ sở bán lẻ dược phẩm, giá thuốc tăng là do tỉ giá USD tăng và do nhà cung cấp điều chỉnh giá.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tại thời điểm này, chưa có doanh nghiệp dược phẩm gửi công văn xin điều chỉnh tăng giá thuốc. Vì vậy, việc dựa vào tỉ giá USD để tăng giá thuốc là không thể chấp nhận.
Ng.Thạnh
|
Khánh Anh / DNSG
Bình luận (0)