Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đuổi học – biện pháp giáo dục hợp lý nhất?

Tạp Chí Giáo Dục

Báo chí thông tin, ngày 11-12, Hội đồng kỷ luật của một trường THCS ở TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) họp, thống nhất buộc thôi học một năm đối với hai nữ sinh lớp 9 của trường (thời hạn đến hết năm học 2017-2018), do có hành vi đánh ba học sinh lớp 7. Là một phụ huynh, tôi suy nghĩ nhiều với thông tin này.

Minh họa: Hoàng Tố Diệu

1. Nếu tôi là phụ huynh của 1 trong ba học sinh lớp 7 bị hành hung kia chắc chắn tôi sẽ rất tức giận và hẳn có yêu cầu nhà trường phải xử lý nghiêm các thủ phạm. Tôi sẽ nêu ra rất nhiều lý do. Chẳng hạn, học sinh THCS mà đã tỏ ra là “đại tỷ”, “soái tỷ” theo kiểu giang hồ đó, không dạy dỗ nên người thì lớn lên sẽ như thế nào? Việc manh động đánh người đâu hẳn diễn ra bất chợt, phải có bộc lộ gì đó trước đây, vậy sao không ai thấy những dấu hiệu? Con gái đã như vậy, phải chăng do cha mẹ thiếu giáo dục, buông lỏng kềm cặp để nhiễm các thói xấu? Nhà trường quản lý thế nào mà học sinh đánh nhau trong trường không ai phát hiện, vì sao học sinh vây quanh xem mà không có ai ngăn cản?… Tức là có rất nhiều bức xúc mà tôi tin rằng phụ huynh của các em đó, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường chỉ có thể nhận lỗi chứ không thể bào chữa hay chối bỏ trách nhiệm được. Và vì vậy, tôi yêu cầu nhà trường, phụ huynh của các em đó phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) và phải răn dạy thủ phạm một cách đích đáng.

Cha mẹ hãy quan tâm đến con hơn

Khi phân tích nguyên nhân xảy ra những vụ bạo lực học đường, các nhà tâm lý học và cơ quan chức năng đều quy lỗi trách nhiệm do ba môi trường tác động, đó là nhà trường, gia đình và xã hội. Cụ thể, học sinh vi phạm thì đổ lỗi cho nhà trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, chỉ lo chú trọng dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy các em trở thành người lương thiện, đạo đức gương mẫu. Ở gia đình thì thường rơi vào trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo, đông anh em, cha mẹ bận bịu lo công chuyện tìm kiếm sinh nhai không có thời gian gần gũi và chăm sóc con cái, hay gia đình có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn không người chăm sóc. Còn xã hội thì gánh chịu nạn bạo hành, bạo lực do trẻ nhiễm lối sống kiểu xã hội đen; học tập, bắt chước thói hung hăng bạo lực do mê xem phim hành động và nghiện trò chơi trực tuyến trên internet…

Nhưng nói gì đi nữa vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ, truyền thống của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ một cách tích cực. Cha mẹ sống cuộc đời hạnh phúc thì đứa con trở thành học sinh ngoan, đạo đức tốt; còn trẻ hư hỏng thường do gia đình chưa quan tâm đúng mức, không kiểm soát được giờ chơi, giờ học của con, cha mẹ cho nhiều tiền mà không biết con tiêu vào khoản nào…

Qua ý kiến nhỏ này chúng tôi mong muốn các bậc cha mẹ hãy thường xuyên quan tâm đến con mình, dành thời gian gần gũi để phát hiện diễn biến tâm lý khác thường của con mà kịp thời uốn nắn, đừng để khi con vướng vào chuyện xấu thì lúc đó có vò đầu bức tai, than thân trách phận cũng không có ý nghĩa gì.

Trần Văn Tám

2. Nhưng nếu tôi là phụ huynh của một trong hai học sinh lớp 9 gây ra vụ việc thì chắc chắn tôi sẽ tỏ ra rất ân hận với việc buông lỏng giám sát con cái, để xảy ra một việc đáng tiếc như vậy. Tôi sẽ thành thật xin lỗi nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng các em bị đánh, mong mọi người lượng thứ cho sự nông nổi của con mình. Tôi sẽ bồi thường các thiệt hại (nếu có) và bản thân tôi cũng sẽ trừng phạt nghiêm khắc con mình, tất nhiên không làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất của cháu hoặc vi phạm pháp luật, nhưng cũng phải để cho cháu nhớ đời. Tôi sẽ mong nhà trường cứ trách phạt con tôi nhưng cũng nên cho cháu một cơ hội sửa sai, vì trong đời, ai mà không mắc sai lầm, vấn đề là phải chỉ ra sai lầm đó và tạo điều kiện cho họ phục thiện… Tức là, tôi không chối bỏ trách nhiệm dạy con của mình, không bao che lỗi lầm của con, không ủng hộ việc tha bổng nhưng phải cho cháu cơ hội sửa chữa và đừng làm trầm trọng thêm sự việc.

3. Nếu tôi là phụ huynh của một trong các học sinh đứng xem là không ngăn cản vụ đánh nhau, tôi cũng sẽ phê bình nghiêm khắc con mình. Tôi nhận khuyết điểm với nhà trường là đã chưa dạy con đầy đủ cách ứng xử trong trường hợp tương tự. Lẽ ra, tôi phải dạy cho con biết rằng học sinh đi học không nên đánh nhau, nếu thấy có vụ việc thì phải tìm cách ngăn cản, nếu không ngăn cản được thì phải báo cho bảo vệ, giám thị, thầy cô biết chứ không được thản nhiên đứng xem, cổ vũ hay quay clip… Tôi ủng hộ nhà trường phê bình con tôi trước toàn trường, thậm chí hạ bậc hạnh kiểm tháng này, học kỳ này để cho cháu nhớ và nhắc nhở, răn đe chung các học sinh khác. Tôi không dung túng cho hành vi và thái độ vô cảm đó.

4. Với bản án kỷ luật như đã nêu, nếu ở trường hợp thứ nhất, tôi có thể hả dạ vì các thủ phạm bị trừng phạt nghiêm khắc, nhưng sau cùng sẽ băn khoăn liệu các cháu kia sẽ làm gì, có thật sự tiến bộ trong thời gian bị đuổi học? Ở trường hợp thứ hai, tôi sẽ hoang mang vì con đang trong tuổi dậy thì, dễ nổi loạn, con sẽ ra sao khi bị đuổi học, liệu sẽ vì ân hận mà ngoan hơn hay trở nên “mặc kệ”, rồi cuộc đời cháu từ đó sẽ trượt dài theo các sai lầm khác? Ở trường hợp thứ ba, tôi có thể thấy con mình gặp may, vì chỉ đứng xem chứ không tham gia đánh nhau nên không phải bị kỷ luật nặng, nhưng còn các cháu kia sẽ ra sao trong thời gian nghỉ học? Như vậy, là một phụ huynh, tôi sẽ cảm thấy không yên lòng với quyết định kỷ luật đuổi học.

Giới trẻ hiện kém chữ “lễ”

Không phải ngẫu nhiên mà GS. Nguyễn Lân, một nhà văn hóa nổi tiếng, từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đã đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT để các trường học phải có tiêu ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” đặt ở nơi trang trọng và dễ nhìn thấy nhất. “Lễ” là biết mình biết người, biết kính trên nhường dưới; là kính trọng, biết ơn thầy cô giáo, thương mến bạn bè; biết đối xử đúng mực và văn minh với mọi người trong xã hội. Đồng thời là lòng tự trọng của mỗi người. “Tiên học lễ, hậu học văn” tức là trước hết nhà trường phải coi trọng giáo dục đạo đức, dạy học sinh “làm người”, rồi mới dạy và học các bộ môn văn hóa, khoa học. Qua nhiều thế hệ, chữ “lễ” trong giới trẻ hiện đang ngày càng suy thoái. Không thể đổ lỗi cho nhà trường không biết dạy đạo đức cho học sinh. Sự thật thì nhà trường xưa nay, ở bất cứ nước nào, không bao giờ dạy học sinh những điều thất đức! Nguyên nhân chính là giáo dục gia đình không tốt. Bác Hồ dạy: “Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt, thì xã hội mới tốt”. Thật chí lý. Con cái chính là tấm gương phản ánh chân thật về phẩm chất của những người làm cha mẹ.

Người ta bảo: Tuổi trẻ là tương lai đất nước, là danh dự của mỗi quốc gia! Thế nhưng, với thực chất đạo đức suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận giới trẻ hiện nay, thì tương lai nước nhà sẽ đi đến đâu?

Đào Ngọc Đệ 
(Giảng viên chính Trường ĐH Hải Phòng)

Còn ở các vai trò khác, như giáo viên, nhà quản lý…, hẳn cũng sẽ có những suy nghĩ khác nữa. Liệu có ai đó sẽ thấy quyết định đuổi học trong trường hợp là nặng nề, không những không có lợi cho trẻ mà còn hại các cháu trở nên khó dạy hơn và thật ra thiếu tính giáo dục không?

5. Tôi đọc ở đâu đó một luận điểm về những trường hợp mà người làm giáo dục đã thất bại, như khi đuổi học, khi không kiềm được tức giận mà đánh học sinh… Bởi giáo dục là làm cho tốt hơn, là cải tạo cái chưa hay thành hay, cái xấu thành cái hết xấu, nên khi người làm giáo dục lại làm cho một cái chưa tốt (hoặc xấu) có nguy cơ trở nên xấu hơn nếu không thất bại thì là gì?

Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là nhà quản lý, mà chỉ là phụ huynh, tôi đứng ở góc độ của con mình mà nhìn nhận, thì trong nhiều trường hợp, khi nhà trường đuổi một học sinh nào đó thì nhà trường có nghĩ là hậu quả của học sinh đó sẽ nhận được là gì, hay chỉ đơn giản là biện pháp “trục xuất” một học sinh chưa ngoan ra khỏi trường của mình? Nên chăng, người thầy khi quyết định liên quan đến số phận một học sinh, một con người thì cần nghĩ đến hậu quả của quyết định đó và cũng cần đặt trường hợp con mình là học sinh chịu hậu quả đó để cân nhắc. Khi đã cân nhắc kỹ càng thì hẳn sẽ có biện pháp giáo dục tốt hơn!

Trúc Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)