Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa cắt băng khánh thành đường bay thẳng Hà Nội-Quy Nhơn – Hà Nội. Đường bay này mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, phát triển không chỉ riêng đối với tỉnh Bình Định mà còn tác động tích cực đến sự phát triển của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xung quanh sự kiện này.
– PV: Thưa ông, đâu là sự thôi thúc chính khiến tỉnh Bình Định và các đối tác quyết tâm mở đường bay Phù Cát – Hà Nội?
Chủ tịch NGUYỄN VĂN THIỆN: Hiện nay tỉnh Bình Định đang tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó trọng điểm là xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp; triển khai nhiều giải pháp nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến tỉnh ngày càng đông. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang gặp khó khăn về giao thông hàng không, nổi bật là nhu cầu bay từ Hà Nội đến Quy Nhơn và ngược lại ngày càng lớn. Đường bay thẳng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Định thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch.
Với việc mở đường bay thẳng Quy Nhơn – Hà Nội và ngược lại, các tỉnh lân cận Bình Định chưa có đường bay nối liền Hà Nội sẽ được hưởng lợi lớn. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên sẽ có điều kiện nhiều hơn trong việc đi lại, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ phương tiện đưa đón hành khách miễn phí từ sân bay Phù Cát đến Gia Lai, Phú Yên và ngược lại. Các khách sạn tại thành phố Quy Nhơn thực hiện giảm giá phòng cho hành khách có vé máy bay tuyến Hà Nội – Quy Nhơn.
– Có ý kiến cho rằng đến nay mới mở đường bay này là khá chậm so với yêu cầu thực tế…
Ý kiến này hoàn toàn xác đáng. Việc mở đường bay Hà Nội – Quy Nhơn và ngược lại đến nay thực tế là chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nguyên nhân cơ bản nhất là do thời gian qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam gặp khó khăn về phương tiện. Với sự nỗ lực của địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, có thể nói đến thời điểm này, khi đã hội đủ các điều kiện, việc mở đường bay Quy Nhơn – Hà Nội là phù hợp.
– Thực tế hiện nay không ít đường bay vắng khách, thua lỗ. Ông có lo lắng điều này có thể xảy ra đối với đường bay này?
Việc mở đường bay Quy Nhơn – Hà Nội và ngược lại trong giai đoạn đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng đó chỉ là khó khăn ban đầu. Về lâu dài, chúng tôi sẽ cùng với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp để thu hút hành khách. Trong đó có việc giảm giá vé nhằm thu hút khách, đảm bảo sự ổn định của đường bay.
– Ngoài đường bay Quy Nhơn – Hà Nội, trong thời gian tới liệu Bình Định có khả năng mở thêm đường bay khác nhằm tăng cường thu hút đầu tư, thưa ông?
Đường bay Quy Nhơn – Hà Nội, Quy Nhơn – TPHCM vẫn là đường bay cơ bản hiện nay. Thời gian tới, nếu điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cho phép, nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng tăng thì tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam xem xét tiếp tục mở các đường bay mới.
Trọng Tín thực hiện ( Theo SGGP )
Bình luận (0)