Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đường cao tốc nối Tây Nguyên – đồng bằng: Đề xuất táo bạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuyến đường cao tốc nối TP Buôn Ma Thuột – Nha Trang không chỉ góp phần phát triển 2 tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa mà còn xóa ngăn cách giữa 2 vùng

Khi nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, một trong những điều đầu tiên ông Bùi Văn Cường nghĩ tới và thể hiện quyết tâm xây dựng đường cao tốc nối TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Bước đột phá mới

Theo ông Bùi Văn Cường, để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của Đắk Lắk và Tây Nguyên, cần có nhiều đột phá, đặc biệt phải ưu tiên hàng đầu cho mạng lưới giao thông. Do đó, cần lên kế hoạch nghiên cứu phương án xây dựng đường cao tốc nối liền Đắk Lắk – Khánh Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phân tích từ TP Buôn Ma Thuột đến TP Nha Trang chỉ dài hơn 100 km, đường thẳng nhưng mất rất nhiều thời gian do phải đi qua những con đường ngoằn ngoèo, gấp khúc, nhỏ hẹp. Trên Quốc lộ (QL) 26, xe container 40 feet không thể đi được, hạn chế trong vận chuyển hàng hóa. Với tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, đất đai, ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên nên khi hệ thống giao thông thuận lợi thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đến Đắk Lắk đầu tư. Bên cạnh đó, nếu có đường cao tốc nối TP biển Nha Trang thì chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch từ đây lên Buôn Ma Thuột.

Quốc lộ 26 được xem là con đường huyết mạch nối Đắk Lắk với Khánh Hòa chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Ảnh: Kỳ Nam

"Khách du lịch cũng chỉ sau 1 tuần là chán biển, nếu mình có các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và giao thông thuận lợi thì sẽ tiếp tục thu hút được du khách lên rừng" – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk mới đây, ông Bùi Văn Cường cũng chỉ đạo phải mời chuyên gia giúp tỉnh Đắk Lắk xác định tuyến đường cao tốc từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang. "Phải tính làm hết bao nhiêu tiền, bằng nguồn vốn nào, ngân sách hay xã hội hóa. Phải có cơ chế, kiến nghị, đề xuất bằng văn bản còn cứ ngồi đó bảo khó thì muôn đời không làm được" – ông Bùi Văn Cường nêu.

Ngày 15-11 vừa qua, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông, công nghệ thông tin.

Xuất khẩu thuận lợi hơn

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nước ta có đủ kinh nghiệm, công nghệ để làm đường cao tốc. Điều quan trọng nhất là kinh phí. Để làm thì phải cân đối, tính toán các nguồn lực, có thể dùng ngân sách hoặc đầu tư theo BOT.

"Chính phủ đang tập trung làm đường cao tốc Bắc – Nam. Riêng trục giao thông xương sống Đông – Tây mới có chủ trương mở rộng các QL hiện hữu. Muốn làm đường cao tốc, trước mắt cần đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung đường cao tốc vào quy hoạch mạng giao thông thì mới có căn cứ triển khai được"- ông Dần nói.

Cũng theo ông Dần, hiện QL26 có chiều dài trên 150 km với mặt đường hiện hữu 2 làn xe. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung. Để nâng cấp, cải tạo, mở rộng QL26, Bộ GTVT đã cho phép Công ty TNHH MTV CICO 501 BOT QL26 triển khai mở rộng trên 46,6 km; trong đó 2,9 km làm mới, số còn lại nâng cấp từ mặt đường 6 m lên 13 m. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 806 tỉ đồng. Đại diện chủ đầu tư này cho biết nếu Chính phủ, Bộ GTVT có chủ trương làm đường cao tốc thì đơn vị sẽ tham gia đấu thầu.

Trong khi đó, một chuyên gia về giao thông cho biết việc xây dựng đường cao tốc Đắk Lắk – Khánh Hòa làm được nhưng kinh phí sẽ rất lớn. Vì tuyến đường này từ thị xã Ninh Hòa đi huyện M’Đrắk phải qua đèo Phượng Hoàng dài 25 km, đoạn từ đèo Phượng Hoàng đến M’Đrắk dài 38 km qua vùng núi, vách ta-luy cao, vực sâu. Đoạn từ M’Đrắk đến TP Buôn Ma Thuột dài 88 km, qua vùng đồi núi, đông dân cư. Đặc biệt, đường này có gần 50 cầu, nếu làm đường cao tốc thì kinh phí làm cầu sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa – cho rằng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, nông sản ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, các trục đường Đông – Tây nối xuống các tỉnh đồng bằng còn nhỏ hẹp. Nếu 2 tỉnh được Chính phủ hỗ trợ xây dựng đường cao tốc, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng kinh tế tam giác Đắk Lắk – Khánh Hòa – Phú Yên.

"Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã có 2 cảng biển Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong. Nếu giao thông kết nối phát triển, việc đưa hàng hóa từ Đắk Lắk xuống để vận chuyển, xuất khẩu sẽ hết sức thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tỉnh Khánh Hòa rất ủng hộ chủ trương này" – ông Tuân nhấn mạnh. 

Sẽ đầu tư đường sắt Phú Yên – Đắk Lắk

Vào tháng 8-2019, Bộ GTVT có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Tuy Hòa (Phú Yên). Bộ GTVT nêu rõ chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đã định hướng đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa dài khoảng 169 km, đầu tư sau năm 2020. Đây là tuyến đường sắt nằm trong quy hoạch tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên.

Theo Cao Nguyên – Kỳ Nam/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)