Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đường có thể tạm thời “đánh bại” hệ thống miễn dịch của bạn như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Bạn sẽ có thêm lý do để từ bỏ thói quen ăn uống có hại của mình.
Để giữ được một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bạn sẽ phải trải qua vô vàn công đoạn như: tập thể dục điều độ, giữ một thói quen ngủ hiệu quả, sử dụng thực phẩm bổ sung, kiểm soát trạng thái căng thẳng và thực hiện một chế độ dinh dưỡng tốt. Đó là quá trình đầy kỳ công nhưng xứng đáng với thời gian và nỗ lực của bản thân. Tuy vậy, bạn có biết rằng mọi công sức trên sẽ "tan thành mây khói" (trong khoảng 5 tiếng đồng hồ) chỉ vì vô tình nạp vào cơ thể một loại thực phẩm nhất định?
"Quá nhiều đường trong cơ thể sẽ cho phép vi khuẩn hoặc virus lan truyền nhiều hơn
"Quá nhiều đường trong cơ thể sẽ cho phép vi khuẩn hoặc virus lan truyền nhiều hơn.
Các nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại về thói quen ăn uống nhiều đường của mình. "Quá nhiều đường trong cơ thể sẽ cho phép vi khuẩn hoặc virus lan truyền nhiều hơn vì hệ thống miễn dịch bẩm sinh bước đầu không thể hoạt động trơn tru. Đó là lý do tại sao mà các bệnh nhân tiểu đường thường dễ bị nhiễm trùng hơn", theo tiến sĩ Michael Roizen tại Cleveland Clinic.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chính xác đường ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khoa học nói gì về vấn đề này và liều lượng sẽ dẫn đến tác động tiêu cực gì.
Bánh donut chứa lượng đường khá cao
Những chiếc bánh Donut và cupcake là món ăn hấp dẫn với nhiều người nhưng chúng thường chứa lượng đường khá cao.
Đường ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn như thế nào?
Không những là thành phần kích thích đằng sau các tình trạng sức khỏe mãn tính khác như tiểu đường và bệnh tim, tiêu thụ đường còn ảnh hưởng đến khả năng chống chịu lại các virus hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong cơ thể. Các tế bào bạch cầu, còn được gọi là "tế bào tiêu diệt" bị ảnh hưởng nhiều bởi lượng đường hấp thụ. Như tiến sĩ Roizen đề cập, trong một nghiên cứu được thực hiện trên ruồi giấm, vì đường gây cản trở hệ thống miễn dịch nên các tế bào bạch cầu không thể thực hiện chức năng của nó là tiêu diệt vi khuẩn hoặc vi rút xấu như lúc người đó không tiêu thụ đường.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến cơ chế chống nhiễm trùng xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 vì lượng đường tiêu thụ cao có thể dẫn đến bệnh tiểu đường – một tình trạng có liên quan đặc biệt đến nguy cơ cao hơn của biến chứng nghiêm trọng đến từ Covid-19.
Bao nhiêu đường sẽ làm suy yếu phản ứng miễn dịch của cơ thể?
Theo nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra, khoảng 75 gram đường sẽ gây ra tác động tiêu cực này. Và một khi các tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng, hệ thống miễn dịch sẽ bị hạ thấp trong khoảng 5 tiếng sau đó. Điều này có nghĩa là ngay cả những người ngủ đủ 8 tiếng, uống thực phẩm bổ sung và tập thể dục đều đặn vẫn có thể bị tổn hại nghiêm trọng chức năng hệ thống miễn dịch của họ dù chỉ uống một ít soda, ăn kẹo hoặc món tráng miệng có đường suốt cả ngày.
Nghiên cứu trên đã được công bố vào những năm 1970, nhưng một nghiên cứu khác được thực hiện từ năm 2011 đã mở rộng trên nền tảng trước đó và phát hiện rằng đường, đặc biệt là đường fructose (như hàm lượng đường fructose cao có trong siro ngô) ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch với virus và vi khuẩn.
Dưới đây là một số định lượng cơ bản giúp bạn dễ mường tượng về 75 gram đường:
– Một lon soda có khoảng 40 gram đường
– Một loại sữa chua ít béo, ngọt có thể chứa 47 gram đường
– Một chiếc bánh cupcake có khoảng 46 gram đường
– Đồ uống thể thao chứa khoảng 35 gram đường
Cơ quan y tế cho biết bạn nên hạn chế lượng đường không quá 6 muỗng cà phê mỗi ngày.
Cơ quan y tế cho biết bạn nên hạn chế lượng đường không quá 6 muỗng cà phê mỗi ngày.
Bao nhiêu đường trong ngày được coi là có lợi cho sức khỏe?
Văn phòng Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyên rằng bạn nên nạp vào không quá 10% lượng calo hàng ngày có nguồn gốc từ đường. Một cách khác để xem xét số lượng đó là giới hạn lượng đường nạp vào của bạn không quá 6 muỗng cà phê hoặc là tổng số 25 gram. Đó có thể là lượng đường bạn thêm vào tách cà phê, lượng đường trong khẩu phần ăn sô cô la hàng ngày hoặc lượng đường ẩn giấu trong các thực phẩm "lành mạnh" như thanh granola hoặc sinh tố.
Cuối cùng, nếu bạn tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng và kiểm soát được lượng đường nạp vào (mức lý tưởng là hãy giới hạn ở 25 gram mỗi ngày), thì hệ thống miễn dịch của bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để đảm đương công việc của mình và giúp bạn tránh khỏi những cảm mạo thông thường. Bây giờ không phải là lúc để bạn ngấu nghiến những món ngọt yêu thích của mình. Thỉnh thoảng thưởng thức chúng là tốt, nhưng phải thật sự điều độ, đó mới là chìa khóa cho một lối sống khỏe mạnh.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)