Các em nhận giải thưởng trong “Ngày hội những ngôi sao nhỏ” |
3 trong số 175 em học sinh (HS) hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham dự “Ngày hội những ngôi sao nhỏ” vừa qua tại Đà Lạt có điểm chung là mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng bằng nghị lực, các em đã vươn lên tự lập và đạt thành tích tốt trong học tập.
1. Tiếp xúc với Nguyễn Quốc Tiến (xã Lộc Châu – TP.Bảo Lộc, HS lớp 9A1 Trường THCS Phan Bội Châu – Bảo Lộc), tôi thật sự xúc động trước một hoàn cảnh rất đáng thương. Lúc cha mẹ qua đời, Tiến chưa tròn hai tháng tuổi. May nhờ ông bà nội còn sống đã đưa cháu về chăm sóc dưỡng nuôi hơn 15 năm qua. Tuổi thơ Tiến gắn liền với những khó khăn, thiếu thốn trong gia đình nội, ngoài một buổi đi học, thời gian còn lại cậu phụ giúp ông bà làm vườn, trồng trọt, và công việc nhà… Hiểu được công ơn của ông bà, Tiến nguyện lấy thành tích học tập của mình để báo hiếu. Suốt 9 năm qua, cậu học trò mồ côi Nguyễn Quốc Tiến đều đạt HS giỏi. Đặc biệt, trong năm học 2009-2010 vừa rồi, Tiến đạt giải nhì trong cuộc thi HS giỏi toàn tỉnh (môn Anh văn). Lần đầu tiên được lên Đà Lạt tham dự ngày hội lớn này, em rất sung sướng, tự hào. Đó cũng là động lực để Tiến càng cố gắng học giỏi hơn nữa.
2. Một trường hợp khác cũng đã khiến nhiều người xúc động bởi hoàn cảnh của em rất đặc biệt. Đó là Nguyễn Văn Nhân, HS lớp 9C Trường THCS xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, tuổi thơ của em gắn liền với chuỗi ngày đi làm thuê kiếm sống để được đến trường và nuôi hai em. Nhân cho biết, cha mẹ đau ốm nặng và lần lượt qua đời khi em vừa tròn 10 tuổi. Nhà có bốn chị em sống nương tựa vào nhau trong khốn khó. Năm 1993, chị gái đầu đi lấy chồng ở tận Bến Tre. Từ đó, cậu bé Nhân nghiễm nhiên trở thành lao động chính của gia đình có ba công dân mồ côi. Năm 2008, huyện Đạ Huoai vận động xây tặng cho ba anh em Nhân căn nhà tình thương (rộng 28m2) nhưng trống trước hụt sau, tài sản chẳng có thứ gì đáng giá. Để không phải nghỉ học giữa chừng, Nhân phân việc cho cả nhà: Nhân và đứa em trai kế mỗi ngày đi học một buổi, một buổi đi làm thuê cho bà con trong xã (cuốc cỏ, trồng mì, hái cà phê, hái điều, gánh hàng…). Bất cứ việc gì miễn có tiền, hoặc được trả bằng gạo, khoai, sắn, hai anh em Nhân đều nhận làm. Còn cậu em út ở nhà nấu cơm, lo nhà cửa… Ở cái thôn hẻo lánh của xã nghèo Đạ Ploa nhiều năm qua, bà con nơi đây quá quen với cuộc sống của một gia đình khá “đặc biệt” này. Hễ có công việc gì họ đều kêu “gia đình” Nhân đến làm nhằm giúp đỡ các em. Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng cả ba anh em Nhân đều học tập rất khá. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (Phó chủ tịch Hội đồng Đội huyện Đạ Huoai) cho biết: “Nhân rất ngại tham gia các hoạt động bởi em mặc cảm vì không có quần áo… lành lặn, tươm tất để đi dự. Chiếc xe đạp tình thương – món quà nhận được từ buổi lễ tuyên dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nhân. Nó giúp em thu ngắn quãng đường đến trường.
3. 10 tháng tuổi, Nguyễn Thị Hồng Diệu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ mất, không có họ hàng thân thích, may thay em được một cô hàng xóm đem về nuôi dưỡng và cho ăn học (hiện em đang học lớp 6, Trường THCS Lộc An, TP.Bảo Lộc). Khi người phụ nữ đó qua đời, em tiếp tục được người con trai của bà năm nay 51 tuổi (chưa có vợ) chăm sóc như con ruột. Hồng Diệu không biết gì về cha mẹ mình, cô bé chỉ biết và mang ơn hai người mà em cho là bà cố và ông ngoại. Tại ngày hội vừa qua, em được tặng một căn “nhà nhân ái” (trị giá 10 triệu đồng) để có nơi sinh sống sau này… “Dù không được ba mẹ nuôi dưỡng, nhưng em cũng cố gắng học giỏi để ba mẹ vui lòng nơi chín suối” – Diệu tâm sự như thế!
Bài, ảnh: Dương Thanh Hồng
Bình luận (0)