Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đường đến trường nặng gánh mưu sinh: Bài 1: Hai anh em vượt khó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chí Minh đang hướng dẫn Tiểu My học bài

Ngày đi học, ban đêm đi làm thêm, tranh thủ học bài vào những lúc rảnh rỗi. Đó là hoàn cảnh của hai anh em Đường Chí Minh và Đường Tiểu My, học sinh (HS) Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM).
Xa nhà, phải tự lo cho bản thân nhưng hai anh em luôn động viên nhau không được nản chí, cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại.
Đứng vững giữa dòng đời
Ba năm nay, cái tên Đường Chí Minh HS lớp 12A1 dường như đã trở nên quen thuộc với nhiều thầy cô và học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên. Em được coi là một tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên trong cuộc sống và trong học tập. Nhìn dáng người gầy gò, thư sinh của Minh, ít ai biết rằng em đã phải trải qua nhiều công việc để được đến trường. Trong kí ức tuổi thơ của Minh, gia đình em luôn phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, chạy ăn từng bữa. Mẹ bị chứng thiếu máu, huyết áp thấp, sức khỏe yếu nên không làm được nhiều việc. Công việc kiếm tiền để nuôi sống gia đình dồn lên đôi vai của ba, người đàn ông lớn nhất trong nhà. Ba Minh vốn là một thợ tiện, nhưng giữa thời buổi bùng nổ về thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại, nghề thợ tiện của ông dường như trở nên lạc lõng, vì vậy thu nhập ngày càng bấp bênh. Để nuôi sống gia đình, ông đã bỏ nghề, theo mấy người thợ xây dựng làm phụ hồ, công việc bữa có bữa không nên thu nhập không ổn định, khoảng 2 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi khoản tiền nhà trọ, số tiền còn lại rất ít ỏi, không đủ để lo mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, nhất là cho ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
Là con trai lớn trong gia đình, Minh không muốn mình trở thành gánh nặng cho ba mẹ. Vì vậy, ngay từ hè năm lớp 7, em đã xin làm “chân” kéo xe đẩy hàng trong một xưởng đóng giày da gần nhà. Hè năm sau, Minh xin làm phục vụ trong một quán cơm bình dân ở gần nhà. Ai đã từng “kinh” qua nghề phục vụ quán ăn mới hiểu hết được sự vất vả của công việc này, nhất là những lúc quán đông người. Hai anh em Minh và My luôn bận rộn từ lúc đến làm cho đến lúc quán đóng cửa. “Công việc nhiều, mà sức chúng em lại có hạn. Nhiều lúc mệt quá, chúng em chỉ muốn xin nghỉ nhưng thương ba mẹ, rồi nghĩ tới khoản tiền đầu năm phải đóng nên đành cố trụ lại. Nếu không đi làm thêm, tiền chi tiêu trong gia đình tháng nào cũng thiếu hụt, ba mẹ em lại phải vay mượn nhiều người. Chưa hết, ba anh em còn đứng trước nguy cơ phải bỏ học”, Minh tâm sự.
Hiện tại, Minh đang giữ xe cho một tiệm internet từ 19 giờ tới 23 giờ. Công việc này em bắt đầu làm từ khi còn là một HS lớp 9 và cũng là công việc nhẹ nhàng nhất mà em từng trải qua. Một cô giáo dạy tiếng Anh trong trường thương cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn đã đưa em về trông coi xe cho tiệm internet nhà mình, còn lo cho em chỗ ở. Hằng ngày, nếu không phải học buổi chiều, Minh mới được nghỉ ngơi, tranh thủ học bài để tối làm việc. Còn nếu phải học buổi chiều, em chỉ kịp ăn uống, còn việc học phải chờ sau khi kết thúc công việc mới được ngồi vào bàn. Chuyện thức khuya để học bài với em đã trở thành thường xuyên trong 4 năm qua. Những hôm nhiều bài tập, Minh tranh thủ lúc tiệm vắng khách lấy sách vở ra “mượn” ánh đèn đường để học bài, nếu học chưa xong em phải thức đến gần 3 giờ sáng mới lên giường ngủ. Thức khuya vậy nhưng mỗi sáng em phải dậy từ 5 giờ 30 để đạp xe từ nhà trọ ở quận 8 tới trường. Với số tiền 800 ngàn đồng kiếm được hàng tháng, Minh đã có thể tự mình lo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ thế, cứ đến hè, cậu học trò này lại xin làm phụ hồ ở những công trường xây dựng để kiếm thêm tiền trang trải học phí cùng các khoản phụ thu đầu năm.
Chỉ kém anh trai một tuổi nhưng cô bé Đường Tiểu My, HS lớp 11A11 cùng Trường Trần Khai Nguyên tỏ ra hoạt bát, nhanh nhạy không kém. Khi còn là HS lớp 8, My đã nhận dạy kèm cho một số em nhỏ gần nhà. Nghỉ hè, em theo chân anh trai làm phục vụ trong quán cơm bình dân… Hiện tại, em đang làm việc tại một quán trà sữa gần UBND phường 1 quận 8. Với công việc hiện tại, em có thể linh động sắp xếp thời gian giữa việc học và việc làm. Trừ những ngày phải học buổi chiều, My luôn về quán sau khi tan trường, làm việc cho tới 22 giờ. Mỗi tháng, khoản thu nhập hơn 1 triệu đồng đủ để em chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, phụ giúp thêm cho anh trai hoặc mang về cho ba mẹ.
San sẻ tình yêu thương
Sống xa gia đình, bản thân phải tự kiếm tiền đi học nhưng không vì thế mà Minh và My thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Mỗi tháng, cả hai đều cố gắng sắp xếp về thăm gia đình ở huyện Bình Chánh. “Xa nhà, em nhớ ba mẹ lắm. Nhiều lúc nhìn bạn bè cùng trang lứa có cuộc sống đầy đủ, em cũng buồn nhưng rồi cố để quên đi. Những lúc đi làm phụ hồ, em cố tưởng tượng rằng ba đang làm chung với mình”, Minh thổ lộ. Ba năm học qua, em đều đạt danh hiệu học sinh khá, được thầy cô, bạn bè quý mến. Với em gái mình, Minh luôn cố gắng trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc. Tranh thủ những buổi chiều không học, em lại tới thăm My, động viên tinh thần giúp My cố gắng học tập. “My là trợ thủ đắc lực của em. Không chỉ chia sẻ với em về vấn đề kinh tế, My còn là người bạn và cũng là động lực để em phấn đấu, trở thành tấm gương tốt để em mình noi theo”, Minh chia sẻ.
Còn với Tiểu My, anh trai mình vừa là một người thân, vừa là người bạn. Minh vốn học khá các môn tự nhiên nên My thường nhờ anh trai giảng bài vào những giờ ra chơi hoặc cuối buổi học. “Em rất thần tượng anh Minh. Tuy cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng em vẫn hạnh phúc vì được sự quan tâm, động viên của thầy cô, bạn bè. Ba mẹ ở xa tuy không giúp đỡ được nhiều nhưng em biết cả hai thương tụi em nhiều lắm”, My tâm sự. My từng đạt giải nhì môn văn kì thi HS giỏi cấp thành phố năm lớp 9. Mơ ước của em là được trở thành một phóng viên, được viết những bài báo về những người có cùng hoàn cảnh như mình.
Hằng năm, hai em Chí Minh và Tiểu My đều nhận được sự hỗ trợ từ BGH, tập thể giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên nhằm hỗ trợ các em trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nếu không đi học buổi chiều, Minh sẽ về nhà trọ nghỉ ngơi rồi tranh thủ học bài để tối ra tiệm trông xe. Ngược lại, tan học buổi sáng Minh chỉ kịp ăn uống rồi đi học tiếp, còn việc học bài phải chờ sau khi kết thúc công việc – lúc 23 giờ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)