Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đường đến trường nặng gánh mưu sinh: Bài 2: Hạnh phúc vì còn được đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trí Dũng tranh thủ học bài trước giờ lên lớp

Ở tuổi 18, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã bước vào giảng đường ĐH thì Nguyễn Huỳnh Trí Dũng mới chỉ là học sinh… lớp 7. Thế nhưng, vượt qua mặc cảm và những khó khăn trong cuộc sống, cậu học sinh này đã trở thành tấm gương hiếu học đáng để mọi người noi theo.
Đứa con hiếu thảo
Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà của Trí Dũng tại một con hẻm nhỏ trên đường Bông Sao (Q.8, TP.HCM) và may mắn gặp được Dũng đang nghỉ dưỡng bệnh tại nhà. 18 tuổi, trông em già dặn hơn so với những người cùng trang lứa. Cũng dễ hiểu thôi, ở tuổi 13, cái tuổi chưa đủ lớn để lo nghĩ chuyện đời thì Dũng đã phải nghỉ học để lo cuộc sống gia đình. Trong kí ức của bạn bè và thầy cô Trường Tiểu học Bông Sao A – những người đã từng tiếp xúc với em ngày ấy – vẫn nhớ hình ảnh cậu bé Dũng gầy gò, đen nhẻm nhưng học rất giỏi tất cả các môn học. 5 năm liền, em luôn là HS giỏi, đứng hạng nhất nhì toàn trường, được bạn bè, thầy cô yêu quý. Nhưng, tai họa bắt đầu đến khi em vừa lên lớp 6 được vài tháng, đó là chứng chấn động thần kinh đã khiến cho mọi thứ em đang có bị thay đổi, chỉ cần suy nghĩ cách giải một bài toán cũng đủ để em ngất xỉu ngay tại chỗ. Để chữa căn bệnh này, Dũng phải nghỉ học hơn một năm trị liệu trong bệnh viện. Khi bệnh tình thuyên giảm, gia đình chưa ai kịp vui thì tai họa khác lại “gõ cửa” đó là ba em bị tai nạn giao thông. Sau khi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán ông bị chấn thương vùng não bộ và ảnh hưởng tới một số cơ quan khác. Không thể quay lại nghề thợ máy, ông buộc phải chạy xe ôm từ sáng sớm đến tối mịt để gánh vác kinh tế gia đình. Nhưng giữa thời buổi phương tiện giao thông hiện đại xuất hiện ào ạt, lại cộng thêm sức khỏe yếu nên công việc của ông rất thất thường. Thu nhập từ việc chạy xe dường như chẳng thấm tháp vào đâu so với những khoản chi tiêu trong gia đình. Trong khi đó, mẹ Dũng lại mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như viêm phổi, viêm gan siêu vi B, viêm dạ dày, đau khớp nên chỉ có thể làm công việc tạp vụ tại một công ty nhỏ. Hai anh em Dũng phải đối mặt với nguy cơ thất học, phải ở nhà để kiếm việc làm. Thương ba mẹ vất vả, thương đứa em trai thua mình 9 tuổi phải rời xa trường lớp, Dũng đã tình nguyện nghỉ học để nhường việc học tập lại cho em. Về phần mình, Dũng xin vào làm công nhân tại một tổ hợp chuyên in đồ nhựa từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Vất vả, nhưng thấy cuộc sống gia đình dần ổn định, Dũng cảm thấy được an ủi phần nào. Thế nhưng, niềm vui nhỏ nhoi ấy lại không ở lâu với Dũng, trong một lần đứng vận hành máy, em bị hoa mắt, khó thở và ngất xỉu tại chỗ. Sau khi được cấp cứu và làm một số xét nghiệm tại bệnh viện, các bác sĩ xác định em bị hở van tim, cần phải phẫu thuật. Nhà nghèo không có chi phí điều trị em “lơ” luôn khuyến cáo của bác sĩ, vẫn phải đi làm phụ giúp gia đình. Không làm được những công việc nặng nên Dũng phải đổi chỗ làm nhiều lần. Cách đây hơn 1 năm, em may mắn xin vào làm cho một tiệm chuyên làm cửa sắt với công việc khá nhẹ nhàng, thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng.
Đi làm, nhưng trong suy nghĩ của Dũng vẫn đau đáu ước mơ được cắp sách tới trường. Nhiều lúc, nhìn những bạn học sinh ríu rít sau mỗi buổi tan trường, em không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, tiếc nuối. Trong đầu Dũng đặt ra các câu hỏi: Chẳng lẽ, con đường học vấn của mình lại bị bỏ dở? Và liệu nếu không học, mình có thể tìm được một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình? Và câu trả lời của chính em là, chỉ có học tập mới thoát khỏi cuộc sống nghèo khó hiện tại. Sau đó, Dũng xin vào học lớp bổ túc văn hóa vào ban đêm tại Trường THCS Chánh Hưng (Q.8).
Hạnh phúc vì được tới trường
Đã hơn một năm trôi qua, nhưng Trí Dũng không quên cảm giác ngày đầu tiên mình được đi học lại. Khi chuẩn bị sách vở cho học kì đầu tiên sau bốn năm giã từ trường lớp, Dũng rất xúc động. “Em hồi hộp lắm, cảm giác giống như ngày đầu được mẹ dẫn vào học lớp 1, vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được tiếp tục đến trường học tập như bao người khác, còn lo là vì mình đã bỏ quên kiến thức lâu ngày, sợ không theo kịp bạn bè trong việc tiếp thu kiến thức mới”, Dũng nhớ lại. Nhưng rất may cho Dũng, việc bắt đầu đi học lại không khó như em tưởng. Kiến thức cũ tuy đã bỏ quên từ lâu nhưng khi thầy cô giảng bài, em chỉ cần mường tượng rồi về nhà xem lại sách vở những năm trước đây và không ngần ngại hỏi bạn bè, thầy cô những chỗ mình chưa hiểu. Cứ như thế, chẳng bao lâu sau, Dũng đã lấy lại được “cái gốc” ban đầu. Ngày đi làm, tối về lại đi học nên nhiều lúc em thấy mình mệt mỏi, tưởng chừng như lại phải bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng với lòng quyết tâm và ý chí, em đã lần lượt vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy. Một ngày trước khi đến lớp, em đều dành một tiếng đồng hồ để xem lại bài vở, nắm lại kiến thức hoặc đọc trước bài học. Trong 18 học viên lớp 6, Dũng đứng trong “top” những người có điểm cao nhất lớp. Dũng chia sẻ: “Trong các môn học, em thích nhất là môn văn vì môn này mang đến cho người học nhiều cảm xúc thú vị, lại gần gũi với cách sống nội tâm của em”. Tranh thủ thời gian hè rảnh rỗi, Dũng hướng dẫn bài cho em trai mình hiện đang học lớp 5. Mơ ước của em là được trở thành một thợ máy chuyên nghiệp giống như công việc của ba em trước đây. Nhưng trước tình hình sức khỏe hiện tại, em cảm thấy chỉ có công việc lắp ráp và sửa chữa máy tính là phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Em tâm niệm “Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không đủ ý chí quyết tâm để vượt qua hoàn cảnh. Cuộc sống hiện tại tuy còn khó khăn nhưng em thấy hạnh phúc, mọi người trong gia đình sống hòa thuận, yêu thương, che chở cho nhau. Em tin, những nỗ lực của mình sẽ mang lại kết quả thành công”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)