Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đường đến trường nặng gánh mưu sinh: Bài 2: Những giọt mồ hôi đằng sau giọt mực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Box: Người mua vé rút hầu bao nuôi giấc mơ tỷ phú, còn cô học trò Lưu Thị Dung chỉ có niềm mong ước nhỏ nhoi đó là kiếm đủ tiền đóng học phí đầu năm học mới.

Ngoài giờ lên lớp, trở về nhà Dung lại tất bật chăm sóc bố, phụ mẹ thổi cơm chiều

“Bác, chú mua vé số giúp con với” – lời mời trong trẻo của một cô bé lúc ráng chiều đầy hối hả khiến những vị khách có mặt trong khuôn viên quán cà phê trên đường Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà, Quảng Trị) chú ý.

Cô bé tầm 14, 15 tuổi, vai mang cặp sách, tay cầm xấp vé số cuối ngày vẫn còn dày cộp. Vài vị khách ái ngại nhìn chiếc cặp sách sờn cũ cô bé mang trên vai rồi lặng lẽ rút tiền mua vài vé. Xấp vé trên tay vơi dần trong ánh mắt vui mừng của em. Cô bé bán vé số ấy tên là Lưu Thị Dung, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ, TP.Đông Hà.
1. Tám năm đến trường, Dung có “thâm niên” bốn năm bán vé số. Mỗi ngày ngoài một buổi đến lớp, em lại tất tả với xấp vé số trên tay đi khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm tiền trang trải cho việc học hành. “Sức vóc em nhỏ bé không kham nổi các công việc làm thuê nặng nhọc, nhưng nhìn cảnh mẹ phải bươn chải ngược xuôi, làm thuê làm mướn nuôi cả gia đình năm miệng ăn quá vất vả nên em nhận vé số đi bán để kiếm thêm tiền. Mỗi buổi em kiếm được 30 đến 35 ngàn đồng để phụ mẹ đóng tiền trường. Do không có xe đạp nên mỗi ngày em đi bộ cả chục cây số rất vất vả nhưng muốn được đi học để sau này tương lai tươi sáng hơn thì phải chịu khó thôi”, Dung cười hiền, tâm sự.
Nếu ai đã từng một lần về thăm xứ sở được mệnh danh là “kinh đô gió Lào” với cái nắng rát bỏng mặt người vào mùa khô và mùa đông chưa mưa đã ngập này mới thấm thía hết nỗi nhọc nhằn và cả nghị lực phi thường của cô học trò này. “Có nhiều hôm trời đang nắng chang chang thì bất chợt đổ mưa, không kịp tìm nơi trú mưa, thế là cả mấy chục tấm vé ướt nhem. Những hôm như thế em phải đi bán cả tuần mới bù lại được số tiền bị lỗ”, Dung cho biết.
2. Dung là con gái thứ hai trong gia đình có ba anh em. Bố em – ông Lưu Quang Giản – năm nay đã ngoài 65 tuổi, bị mù từ nhỏ. Cả bố và mẹ đều ở tận Bắc Giang. Tuổi thanh niên, họ gặp nhau và thương nhau nhưng mối nhân duyên ấy bị cấm cản bởi do gia đình không cho cô gái lấy một người mù làm chồng để suốt đời chịu khổ. Họ quyết tâm ở trọn đời bên nhau nên sau cái lễ cưới do hai người tự hẹn ước, họ dắt díu nhau lang bạt kỳ hồ, làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Rồi họ chọn TP.Đông Hà làm chốn dừng chân, lập nghiệp. Hàng ngày để có tiền nuôi con, ông Giản lọc cọc một cái bị lác và chiếc gậy mò mẫm đi khắp nơi ngửa tay nhờ lòng thương của người qua đường; còn bà Tình – vợ ông – sáng mắt nên đi làm thuê. Cái gia đình bất hạnh ấy cứ thế trụ lại ở mảnh đất không người thân thích, họ hàng, lấy láng giềng làm ruột thịt ngót nghét 20 năm nay.
Dẫu thế, những đứa trẻ trong gia đình này lớn lên, đến trường vẫn không tránh được lời dè bỉu của bạn bè. Cái tiếng “con kẻ ăn mày” đã cản bước tìm đến tương lai của các em. Anh trai đầu và đứa em út của Dung lần lượt bỏ học giữa chừng dù lực học của hai em rất giỏi. Không như anh và em trai mình, Dung bỏ ra ngoài tai mọi lời dè bỉu để đến lớp. Dung bảo rằng, nhiều lúc nghe các bạn trêu, em ứa nước mắt nhưng nghĩ đến việc bỏ học thì không muốn. Em tự nhủ lòng phải học thật giỏi để giúp mình và gia đình vượt qua khó khăn. “Ai trong cuộc đời không có lúc gặp khó khăn, điều quan trọng là phải biết vượt qua để hướng đến tương lai tươi sáng”, Dung bộc bạch.
3. Bảy năm đến trường (chưa tính năm học mới này – P.V), mỗi năm hành trang học tập của Dung chỉ có vài cuốn vở còn sách thì mượn bạn bè hoặc các anh chị học khóa trước ở cùng xóm nhưng thành tích học tập của em luôn đạt khá, giỏi. Đặc biệt, dù thời gian dành cho học tập rất ít lại không có điều kiện đi học thêm nhưng Dung học rất giỏi môn toán, luôn đạt trên 8,0 điểm. Cô Ngô Thị Minh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp Dung, cho biết Dung là học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt nhưng không vì thế mà em lơ là hay có ý bỏ học, bù lại em rất chịu khó học hỏi… Trong lớp, em là học sinh nhút nhát, rụt rè nhưng lại là học sinh chuyên cần, tiếp thu và nắm kiến thức rất vững. Thời gian học của em chỉ bó gọn trên lớp, về nhà vất vả làm thêm, chăm sóc ba nhưng năm nào thành tích học tập của em cũng xếp vào tốp khá, giỏi của lớp. Nghị lực của em thật đáng khâm phục và là tấm gương sáng cho các bạn noi theo.
“Em sẽ quyết tâm học để thi vào Trường ĐH Kinh tế”, Dung bật mí về ước mơ của mình với ánh mắt đầy quả quyết, cho dù con đường phía trước còn dài, chông chênh theo mỗi bước chân và tiếng mời mọc mua vé số đầy hối hả, lo âu mỗi lúc chiều buông.
Ông Lưu Quang Giản cất giọng buồn buồn: “Vợ chồng tui đã nếm đủ mọi vất vả cực nhọc rồi, từ một kẻ bần cùng, sống cuộc đời chỉ biết gặp người ta là ngửa tay đôi lúc nghĩ mà tủi phận. Thương con thắt lòng, nhiều lúc chả thiết sống nhưng mỗi tối về nghe tiếng con ê a học chữ là lập tức thấy vui. Cháu Dung là niềm hi vọng duy nhất của vợ chồng tui bây chừ đó. Chỉ mong cháu nó đủ niềm tin để vượt qua được tao đoạn này, để học hành cho đàng hoàng, tìm được tương lai tươi sáng hơn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Người mua vé rút hầu bao nuôi giấc mơ tỷ phú, còn cô học trò Lưu Thị Dung chỉ có niềm mong ước nhỏ nhoi đó là kiếm đủ tiền đóng học phí đầu năm học mới.

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)