Hiện, buổi sáng từ thứ hai đến chủ nhật, Hằng bưng bê, rửa chén tại một quán mì Quảng ở Q.12 với mức lương 800 ngàn đồng/ tháng
|
Đang lột hành tỏi, rửa chén, bưng bê, nhưng chỉ cần nghe mọi người nhắc đến chuyện gia đình là Hằng lại len lén quệt nước mắt. Nhìn dáng người dong dỏng cao, mái tóc tém ôm gọn gương mặt đen sạm, ít ai ngờ vẻ ngoài cứng cỏi ấy lại đang che giấu những câu chuyện đầy nghị lực của cô sinh viên 19 tuổi Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – Nguyễn Thanh Hằng.
Nơi đâu là nhà?
Nếu ai đó hỏi nhà Hằng ở đâu, em sẽ rất khó trả lời chính xác. Bởi từ năm lớp 7, khi mẹ lặng lẽ bỏ em ở lại Hóc Môn (TP.HCM) cho ông bà ngoại nuôi, em trở thành đứa trẻ không cha, không mẹ và… không nhà. Cứ thế em sống lay lắt hết nhà ông bà ngoại, đến nhà dì, rồi sống nhờ nhà người bạn học cùng trường ĐH. Hằng không có một mái nhà thực sự cho riêng mình.
Bắt đầu từ năm lớp 8, Hằng đã biết thế nào là kiếm sống. Em kiếm tiền bằng đủ thứ nghề: lột vỏ hành tỏi, đan chiếu manh, đan màn cửa bằng trúc, bưng bê, rửa chén… Suốt những năm học THCS và THPT, cuộc sống của Hằng cứ quần quật một buổi đi học, một buổi làm thêm. Mỗi kí hành, kí tỏi lột sạch vỏ em được chủ trả 3 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi ấy cộng với sự giúp đỡ của họ hàng, Hội Khuyến học huyện Hóc Môn giúp Hằng kéo dài sự học tưởng đã bị đứt gánh giữa chừng.
Không dừng lại ở bậc THPT, Hằng thi tiếp lên ĐH. Năm 2010, người ông già yếu mừng rỡ khi hay tin cô cháu ngoại đậu ĐH. Cánh cửa ĐH mở ra với bao nhiêu nỗi lo trút lên vai cô gái bé nhỏ chưa kịp trưởng thành. Hằng tiếp tục lao vào làm thêm. Em sống nhờ nhà người bạn ở làng ĐH (Thủ Đức) làm nghề gia công giày. Vậy là đều đặn mỗi buổi chiều đi học về, Hằng “chôn chân” ở nhà gia công giày đến 22h30 tối. Cô chủ nhà thấy con bé sinh viên suốt ngày ru rú trong nhà nên cho tiền để Hằng đi chơi cho có bạn có bè, nhưng em chỉ cười lắc đầu: “Thôi, con cũng không biết đi chơi ở đâu, để con ở nhà phụ gia công giày”.
Bữa cơm ít thịt, nhiều rau đã đành, đằng này Hằng lại thiếu luôn món-ăn-ngon-nhất là sự quan tâm của gia đình. “Nhiều lúc em cũng giận mẹ lắm, giận mẹ đã không ở bên cạnh trong những lúc em khó khăn nhất. Những lúc đó em đã muốn buông xuôi tất cả, muốn sống bất cần đời”, Hằng tâm sự. Tuy nhiên, mỗi lúc muốn buông xuôi thì em nhớ trong một buổi sinh hoạt kĩ năng sống thời còn học THCS có chủ đề về những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình và em đã nghiệm ra rằng: Ai rồi cũng sẽ phải ra đời, phải tự lo lấy bản thân mình. “Em chỉ khác các bạn là ra đời sớm hơn, tự lo cho mình sớm hơn”, Hằng nói.
Học để chứng minh điều ngược lại
Hằng ráng với tay đến cánh cửa ĐH để chứng minh điều ngược lại: dù không có mẹ có cha ở bên, em vẫn sẽ nên người và sống tốt. Và Hằng đã chứng minh mình đã làm được.
|
“Em rất sợ nghe mọi người nói em “không có mẹ, không có cha nên mới thành ra hư hỏng”. Do đó em quyết tâm phải sống tốt, phải tiếp tục học để không ai nói em như vậy”, vừa nói Hằng vừa lau vội những giọt nước mắt ứa ra.
Hồi học THCS, em nhận học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi nhiều năm liền, có không ít phụ huynh không biết nên gặng hỏi: Tại sao nó được học bổng mà con tui không được? “Nhưng họ đâu biết nếu được chọn, em đã không chọn để được học bổng này. Bởi chẳng ai muốn đánh đổi cả gia cảnh nghèo khó để được nhận học bổng”, Hằng bày tỏ. Tuy không được quyền chọn cho mình một mái nhà yên ấm có mẹ, có cha, nhưng em đã chọn cho mình một cách sống tử tế bằng con đường vươn lên trong học tập. “Lúc luyện thi ĐH khối D, không có tiền, em đến các lò luyện thi học chui mấy tuần đầu do người ta không kiểm tra biên lai”, Hằng tinh nghịch kể lại. Cứ thế em “nhảy” hết các lò luyện thi này đến lò luyện thi khác cho đến ngày thi ĐH.
Cô Nguyễn Kim Sa – Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hóc Môn – người đã phát hiện ra hoàn cảnh của Hằng và giúp đỡ em suốt năm lớp 12 lúc nào cũng căn dặn: Là con gái, phải biết giữ mình, dù khó khăn đến đâu cũng không được để ai “đạp” lên mình mà lợi dụng. Và Hằng đang cố gắng sống đúng như vậy. Hiện nay, buổi sáng em tất bật bưng bê và rửa chén tại một quán bán mì Quảng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12); buổi chiều em tiếp tục nhận lột hành, tỏi – công việc đã gắn bó suốt thời học sinh của em.
Hằng tâm sự: “Người khác nhìn vào tưởng em gan lì lắm. Vì những khi khóc, em toàn khóc một mình. Có lần đang bưng phở nghĩ đến chuyện gia đình, không kiềm chế nổi nên em khóc. Cô chủ quán để ý thấy liền hỏi, em liền nói bụi bay vô mắt con đó cô”. Cô gái tóc tém này sẽ không khóc khi lột củ hành làm cay mắt, không khóc phải còng lưng cả buổi tối gia công giày, cũng không khóc khi phải luôn tay luôn chân bưng bê, rửa chén… nhưng sẽ len lén quệt nước mắt nếu ai đó vô tình chạm vào nỗi đau gia đình. Bây giờ Hằng đã đủ lớn cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn để hiểu đâu là sự thiếu thốn thật sự của mình. Mơ ước của em giản dị lắm: học hết ĐH, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và có một mái ấm hạnh phúc.
Bài, ảnh: Minh Ly
Những đứa trẻ như Hằng sinh ra đã phải gánh chịu lời đàm tiếu của xã hội. Nhưng Hằng “khác người” ở chỗ biết biến dư luận thành sức mạnh giúp em vượt lên mặc cảm để sống đàng hoàng cho đến tận bây giờ…
|
Bình luận (0)